"Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" đã trở thành những thứ không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán của người Việt Nam ta. Ngày xưa, khi hoàn cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, chúng ta không thể bảo quản được bánh chưng tốt như bây giờ. Nhiều người khi thấy bánh chưng bị mốc ở góc thường cắt bỏ phần mốc sau đó đem rán lên ăn. Vậy thì việc làm này liệu có nguy hiểm?
Các chuyên gia cảnh báo rằng bất cứ thực phẩm nào khi đã bị nấm mốc thì đều tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ung thư. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết dù bạn có cắt bỏ phần nấm mốc của bánh chưng thì những phần này vẫn có khả năng xâm nhập vào sâu bên trong bánh. Do đó, nguy cơ ngộ độc không biến mất dù bạn có cắt bỏ phần bánh hỏng. Ăn nấm mốc bạn có thể bị nhiễm các độc tố như aflatoxin gây độc cho gan, ochratoxin gây độc thận. Được biết aflatoxin nguy hiểm gấp 68 lần asen, 10 lần kali xyanua. Do đó, tốt nhất là không ăn bánh chưng đã bị mốc.
Cách để bảo quản bánh chưng được lâu
Sau khi luộc bánh, bạn cần rửa lại bánh bằng nước sạch để loại bỏ phần nhớt bám trên bánh. Sau đó, đừng bỏ qua khâu ép bánh bằng các vật nặng.
Thời nay, tủ lạnh đã trở thành thứ phổ biến trong các gia đình nên việc bảo quản bánh chưng không còn khó khăn như trước. Bánh chưng nên được bảo quản ở ngăn mát, nhiệt độ từ 5-10 độ C. Khi ăn bánh tới đâu thì cắt tới đó, phần còn thừa gói trong túi nilon rồi bỏ vào tủ.
>> Xem thêm: Cách bảo quản bánh chưng được lâu, không bị mốc trong và sau Tết Nguyên đán