Khi thấy trẻ đọc "truyện người lớn", cách ứng xử khéo léo của bố mẹ cũng như của giáo viên sẽ góp phần định hướng hành vi cho trẻ.
Cách ứng xử của giáo viên khi bắt gặp trẻ đọc truyện người lớn
Là chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, TS.Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) thường được phụ huynh, giáo viên nhờ tư vấn nhiều trường hợp khi trẻ có biểu hiện tiêu cực.
Bà chia sẻ, bản thân bà từng được nghe một cô giáo lớp 5 than vãn về việc học sinh của cô đọc truyện sex và mang truyện đến lớp. Câu hỏi đặt ra, nếu là cô giáo trong câu chuyện này, TS.Vũ Thu Hương sẽ xử trí ra sao? TS.Vũ Thu Hương cho biết:
Ngay khi cô giáo chia sẻ với tôi về câu chuyện trên, cô giáo cũng đã xử lý xong giai đoạn đầu. Đó là cô giáo tịch thu cuốn sách đó. Nếu tôi là cô giáo, tôi cũng sẽ tịch thu.
Vì theo nội quy nhà trường, các bạn không được mang sách truyện ngoài nội dung học đến lớp. Việc này sẽ làm mất tập trung của các em. Tôi sẽ phạt theo nội quy và tịch thu các cuốn này.
Là cô giáo, tôi sẽ không đề cập đến nội dung bên trong cuốn sách, không nhấn mạnh nó nguy hiểm hay độc hại… Tôi sẽ không nói gì về nội dung mà chỉ phạt vì các em vi phạm nội quy.
Sau đó, tôi sẽ mời chuyên gia để nói chuyện với các em. Và chính cô giáo trong tình huống trên cũng đã làm như vậy. Cô giáo cũng đã mời đại diện phụ huynh đề nghị mời chuyên gia đến.
Hôm đó, chính tôi là chuyên gia được mời đến nói chuyện với các em về giáo dục giới tính. Họ cũng đặt hàng với tôi trước là các bạn học sinh đã từng đọc các sách chuyện liên quan đến sex.
Hôm đó, tôi cũng đã nói với các bạn, các con không nên đọc, xem các truyện, phim của người lớn. Bởi vì, khi các con đọc, xem nó, các con thể bị dậy thì sớm. Điều đó có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản em bé. Đó là điều rất không nên.
Tôi nói chuyện với các em về câu chuyện ở góc độ khoa học chứ không đề cập ở khía cạnh đạo đức hay gì cả.
Tôi cũng trao đổi với các con là ai cho các con xem, đọc các nội dung đó, bản thân họ đã xâm hại các con. Xâm hại không phải chỉ là ép các con quan hệ, mà ngay chính việc cho các con xem vấn đề nhạy cảm như vậy cũng đã là xâm hại.
Khi tôi nói điều ấy, các con đều nhận ra là nó gây hại cho bản thân các con. Tôi không nói, không đề cập nội dung đó là xấu hay tốt mà chỉ đề cập đó là điều có hại cho các con.
Lúc đó, các con chủ động từ chối xem các cuốn truyện có nội dung như vậy. Các con cũng hứa là vứt bỏ những cuốn đó đi.
Lúc đầu khi cô giáo gọi điện cho tôi, tôi cũng có nói với cô giáo không nên mắng các con về nội dung. Ngay khi giải thích xong, các con cũng chủ động nộp các cuốn sách đó và chỉ ra bạn đầu tiên mang những cuốn sách này đến lớp.
Bản thân các con tự nhận ra điều đó là có hại chứ không nói về mặt đạo đức là tốt hay xấu. Bởi, khi đề cập ở khía cạnh đạo đức, các con sẽ thấy mình bị tổn thương. Hoặc với những em quá quậy, các em sẽ cố tình làm theo xu hướng ngược.
Nếu là bố mẹ bắt gặp tình huống con mình đọc, chép các truyện sex, cha mẹ nên làm gì là phù hợp nhất?
TS. Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên, bố mẹ tuyệt đối không xử lý ngay từ đầu với con khi con gặp sự cố.
Không phải với riêng trường hợp phát hiện con đọc, xem các tác phẩm có nội dung liên quan đến sex mà với bất cứ việc gì tiêu cực, bố mẹ không nên xử lý ngay. Bố mẹ có để thêm 1, 2 ngày cũng không làm trẻ hư thêm được.
Bố mẹ cần bĩnh tĩnh để nghĩ kế sách xử lý. Quan trọng nhất là bố mẹ phải bình tĩnh - TS. Hương nhấn mạnh về thái độ này.
Bố mẹ có tịch thu ngay các cuốn sách đồi trụy thì trẻ cũng không dám đọc tiếp ngay sau đó. Vì thái độ của bố mẹ ít ra cũng khiến trẻ sợ lúc đó và thông thường trẻ sẽ chờ cho bố mẹ nguôi cơn rồi mới sử dụng tiếp.
Sau đó, bố mẹ có thể cho trẻ đến các lớp học về giới tính hoặc đề nghị cô giáo chia sẻ về giới tính với trẻ.
Bố mẹ cũng sẽ xử lý trẻ theo nội quy gia đình. Ví dụ con không được đọc truyện, xem phim khi học bài mà lén lút đọc thì phạt theo nội quy đã đề ra.
Bố mẹ không nên đả động gì đến nội dung, việc đó hãy để cho những người có chuyên môn nói chuyện với các con. Những người có chuyên môn giảng bài cho các con, các bài giảng có tính xuyên suốt, hệ thống rất rõ. Đến khi họ chốt, trẻ con sẽ hiểu và nghe, tự biết làm sao cho tốt. Còn nếu bố mẹ nhảy vào giữa cuộc, trẻ con sẽ không nghe và không tin.
TS Vũ Thu Hương
Trẻ qua lớp 1, lớp 2 là không thể áp đặt được nữa. Trẻ cần được giải thích rất rõ là tại sao lại như thế. Lúc đó, trẻ sẽ nghe.
"Tôi cũng chia sẻ những điều này rất nhiều. Nhiều phụ huynh sau khi đọc các nội dung đó đã xây dựng được bản lĩnh là, khi xảy ra sự cố với con cái thì giữ được bình tĩnh và xử lý theo đúng hướng dẫn của những người có chuyên môn.
Đừng đột ngột mắng, chửi con ngay, phải bình tĩnh mới giải quyết được", TS. Vũ Thu Hương nói.
Đồng thời, TS. Vũ Thu Hương cũng nhấn mạnh, với tình huống bắt gặp trẻ đọc, xem các ấn phẩm nhạy cảm, bố mẹ càng nhấn mạnh nó xấu lắm, tồi lắm sẽ càng kích thích trẻ tò mò. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh rằng điều này sẽ có những cái hại rất cụ thể như kích thích đứa trẻ phát triển sớm.
Để trẻ hiểu rõ, bố mẹ hãy nói với trẻ là nếu con phát triển sớm, bố mẹ sẽ không cư xử với con như một đứa trẻ. Bố mẹ sẽ không mua đồ chơi, không cho con đi chơi… Con lớn rồi, bố mẹ sẽ yêu cầu con đi làm…
Đứa trẻ sẽ hơi sợ rằng, tự nhiên mất đi quyền lợi vì là người lớn. Giải thích như vậy, đứa trẻ sẽ ít nhiều sợ không động vào những cuốn sách có nội dung liên quan đến nội dung nhạy cảm vì chúng sẽ trở thành người lớn sớm quá.