Tin mới

Bầu Kiên và Bầu Đức: Đỉnh cao - vực sâu chỉ bởi hai chữ...thức thời

Thứ ba, 27/05/2014, 13:46 (GMT+7)

Bầu Kiên và Bầu Đức đều là những ông bầu "khét tiếng" (nói theo cách riêng của những người đam mê bóng đá) của làng bóng đá Việt Nam, nhưng hiện tại, người thì "ngồi trên núi tiền" còn kẻ thì đã sa vòng lao lý.

 

 

 

 

 

 

 

Bầu Kiên và Bầu Đức đều là những ông bầu "khét tiếng" (nói theo cách riêng của những người đam mê bóng đá) của làng bóng đá Việt Nam, nhưng hiện tại, người thì "ngồi trên núi tiền" còn kẻ thì đã sa vòng lao lý.

Từ sân cỏ bóng đá

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, bóng đá Việt Nam với biệt danh "ao làng" bắt đầu xuất hiện những "ông bầu" là các đại gia nổi tiếng trong giới kinh doanh. Những cái tên như bầu Kiên, bầu Đức đã thể hiện đúng cách chơi của "thương gia": xuất hiện ồn ào, gây ấn tượng với những khoản tiền khổng lồ cùng những quyết định gây "shock" không kém so với các ngôi sao.

Theo dõi bóng đá Việt Nam, chắc không ai xa lạ với những "cột mốc" gây shock của bầu Kiên như thành lập đội bóng đá riêng là Hà Nội ACB, chi 13 tỷ lót tay để "cuỗm" Công Vinh từ Hà Nội T&T về CLB của mình chỉ trong 1 ngày, công kích "thẳng tay" những tiêu cực của VFF và bóng đá Việt Nam, tuyên bố sẽ thành lập một giải đấu riêng mang tên Super Liga...

Trái ngược với bầu Kiên, bầu Đức không nhiều phát ngôn làm xôn xao dư luận nhưng ông có những quyết định táo bạo chưa hề có tiền lệ trong làng bóng đá Việt Nam. Coi như khoản đầu tư dài hạn, kể từ năm 2001, ông bỏ ra hơn 10 tỷ đồng/năm cho bóng đá. Năm 2002, bầu Đức đưa chân sút số 1 Đông Nam Á - Kiatisak Senamuang về đội bóng của mình, giúp CLB Hoàng Anh Gia Lai từ một đội bóng hạng nhất 2 lần vô địch V-League. Năm 2007, bầu Đức thành lập Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG để tuyển sinh, đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của Học viện cầu thủ trẻ Arsenal. Và đến nay, khi đội tuyển U19 của Việt Nam liên tục khiến Châu Á và thế giới sửng sốt, danh tiếng của bầu Đức lại càng "nổi như cồn" và được ngưỡng mộ.

Đến ngã rẽ cuộc đời

Cùng một thời tiếng tăm lẫy lừng trên sân cỏ bóng đá cùng khối tài sản khổng lồ, thế nhưng ít ai ngờ, khủng hoảng kinh tế đã khiến cuộc đời hai "đại gia" một thời đi vào những ngã rẽ khác nhau.

Nếu bầu Kiên nổi tiếng trong giới ngân hàng tài chính thì bầu Đức được biết đến như một "ông vua" bất động sản. Tuy nhiên, cả hai ngành này đều như "bong bóng" vỡ tung trong cuộc khủng hoảng năm 2008.  Bất động sản nhanh chóng đóng băng, ngân hàng thì bị phơi bày hàng loạt nợ xấu khủng, vàng tăng "phi mã". Tuy nhiên, cùng một tình huống nhưng bầu Kiên và bầu Đức lại có những kết cục khác nhau.

hình minh họa

Những ngày qua, truyền thông liên tục đưa tin về sự kiện bầu Kiên hầu toà với hàng loạt tội danh như: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (hàng trăm tỷ đồng). Quá sa đà vào đầu tư vàng mà không lường trước hậu quả, bầu Kiên đã lạm dụng cả "quyền năng vô hình" của mình trong ngân hàng để lũng đoạn thị trường và rồi vướng chân vào vòng lao lý.

Trong khi đó, vài năm trở lại đây, bầu Đức liên tục được nhắc tới với các tên gọi khác nhau như: "nông dân", "người trồng cao su", trồng mía, chăn bò... Những biệt danh gắn liền với nông nghiệp tưởng như xa lạ với "trùm bất động sản" nhưng đang hứa hẹn mang đến lợi nhuận hàng triệu USD thậm chí hàng trăm triệu cho bầu Đức trong dài hạn.

Chẳng thế mà, trong kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2014 vừa qua của Tập đoàn HAGL, khi nghe kết quả báo cáo tình hình kinh doanh 2013 và kế hoạch 2014, các cổ đông đã vỗ tay rào rào! Họ vỗ tay vì một tương lai tươi sáng khi cánh đồng cao su của bầu Đức tại Lào đã sắp đến ngày thu lãi, mà lãi không nhỏ chút nào. Rồi mía, cọ dầu cũng đang mang lợi nhuận về. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Sự - TGĐ tập đoàn HAGL còn tự tin tuyên bố: "Lợi nhuận sau thuế của DN năm 2014 dự kiến tăng 50% so với năm 2013, nếu không đạt tôi sẽ xin từ chức". Như vậy, người ta hoàn toàn có thể mường tượng được ra ngày bầu Đức được "ngồi trên núi tiền" đã không còn là chuyện viển vông nữa.

hình minh họa

Nhưng do đâu mà có sự khác biệt lớn như vậy giữa bầu Đức và bầu Kiên? Câu trả lời có lẽ chỉ nằm ở hai chữ "thức thời" trong tính toán của mỗi ông bầu.

Trong khi bầu Kiên ngày đêm thức trắng theo dõi giá vàng lên xuống, khi mọi dự đoán đều cho rằng vàng sẽ còn tăng nữa. Bầu Kiên lại bán đi hàng nghìn lượng vàng để chờ Giá vàng giảm sau đó sẽ mua lại kiếm lời. Thế nhưng, "trời không chiều lòng người", vàng không giảm mà lại tăng chóng mặt, nhanh chóng đưa tài sản của bầu Kiên về "âm" (thực tế đến hiện tại vàng mới bắt đầu giảm chút đỉnh).

Ngược lại, bầu Đức đã sớm nhận ra bất động sản không còn là "món hời" mà chỉ "chôn vốn thì nhiều, lãi thì ít" từ trước khi khủng hoảng xảy ra. Từ đó, bầu Đức  đã nhanh chóng chuyển hướng (bắt đầu đầu tư cao su ở Attapeu, Lào từ năm 2008, thời điểm bất động sản còn đang nóng hổi) để đạt được thành công vang dội.

Và khi phiên toà xử bầu Kiên vẫn đang diễn ra, người ta vẫn thấy ánh mắt sắc sảo, lập luận đanh thép của "trùm tài chính" một thời. Thế nhưng, dù rất tự tin, nhưng thực tế, trong "canh bạc cuộc đời" này, bầu Kiên có lẽ đã thua!

 

Theo Seatime

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news