Bé 2 tháng tuổi tử vong do gia đình chủ quan nghĩ bé chỉ bị cảm cúm do thời tiết lạnh nên cho uống thuốc sirô ho thảo dược mà không đưa bé đi khám.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay thời tiết lạnh giá kéo dài nên số ca bệnh nhi vào cấp cứu có tăng. Bệnh nhi vào cấp cứu chủ yếu vì suy hô hấp với tiên lượng dè dặt.
Gần đây nhất là trường hợp bé N. A. T. (2 tháng tuổi) vì bố mẹ đã tự ý chữa ho tại nhà. Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhi T. có dấu hiệu sốt, ho và chảy nước mũi. Gia đình chỉ nghĩ bé bị cảm cúm do thời tiết lạnh nên chỉ cho uống thuốc siro ho thảo dược mà không đưa đi khám.
Sau đó, bé T. xuất hiện triệu chứng khó thở, bỏ bú, gia đình hốt hoảng đưa con vào bệnh viện khám thì đã muộn. Bác sĩ Duy cho hay, thời điểm bệnh nhi T. vào khám, bệnh đã tiến triển rất xấu dẫn đến suy hô hấp kéo dài, ngừng tim và cháu tử vong sau đó. Đây là trường hợp đặc biệt đáng tiếc và bài học cho các bậc cha mẹ tự ý điều trị ho cho con.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với trẻ nhỏ bệnh diễn biến rất nhanh. Ông từng gặp nhiều trẻ ho, sốt do phụ huynh tự ý chữa đến khi trẻ bị nặng mới đưa con đi khám.
Theo bác sĩ Dũng, với những trẻ dưới 2 tháng tuổi bị thường khó phát hiện dấu hiệu lồng ngực thở nhanh hay chậm, bởi các phụ huynh thường có thói quen bọc kín mít cho con.
Bên cạnh đó, người nhà chỉ đưa con đi khám khi trẻ có dấu hiệu bú kém, ngủ li bì. Lúc này, viêm phổi rất đã tiến triển rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.
(Ảnh minh họa)
PGS Dũng khuyên các bài thuốc trị ho trong dân gian như húng chanh, mật ong, quất và hoa hồng bạch có tác dụng trị ho đối với những trẻ bị ho bình thường, trẻ không quấy khóc, bỏ ăn, không sốt. Còn các trường hợp trẻ ho nghiêm trọng, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên tự mua thuốc tự điều trị cho con.
Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết ho do viêm phổi cần đưa trẻ đi khám ngay
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường – PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trưởng khoa Nhi tổng hợp cũng cho biết, ông gặp nhiều trường hợp bố mẹ chỉ nghĩ con bị ho thông thường mà không để ý dẫn đến trẻ bị viêm phổi nặng phải vào viện cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường sirô ho có nhiều loại từ thuốc tây, thuốc ta từ thảo dược đến hóa chất.
Thuốc siro chia thành nhiều nhóm, nhóm đầu tiên là nhóm cắt các dây thần kinh giao cảm với ho và nhóm thứ hai là mát họng giảm ho, long đờm.
Với trẻ thuốc ho không cần đơn của bác sĩ nên sử dụng các loại thuốc ho có thành phần từ thảo dược ít tác dụng phụ với trẻ em.
Thạc sĩ Thường cho biết, nếu trẻ bị ho húng hắng vài lần/ngày không sốt thì có thể cho con sử dụng siro thông thường. Nhưng khi trẻ bị ho, kèm theo khò khè, khó thở, nhịp tim nhanh, có cơn co rút lõm ngực thì cha mẹ phải nghĩ ngay tới trẻ có thể bị viêm phổi.
Hiện nay, thời tiết lạnh, ít ánh nắng mặt trời, nhiệt độ không khí thấp là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút có điều kiện phát triển gây bệnh cho trẻ, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp.
Bác sĩ Thường khuyến cáo, khi con bị mắc các bệnh trên, bố mẹ không nên chủ quan, tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh do vi rút có thể chuyển biến rất nhanh thành viêm phổi, viêm tiểu phế quản khiến việc điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối dùng chung đơn thuốc hoặc dùng đơn thuốc từ lần khám trước cho trẻ.
"Phụ huynh cần lưu ý, một đơn thuốc chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định chứ không phải cho tất cả các trường hợp tương tự. Việc tự ý dùng đơn thuốc chung hoặc đơn thuốc trước đó có thể khiến cho bệnh lý diễn biến nặng, hậu quả có thể gây tử vong", bác sĩ Duy nói.