Tin mới

Bé 2 tuổi sáng đi học lành lặn, chiều về… gãy xương đòn

Thứ tư, 19/03/2014, 11:55 (GMT+7)

Sáng 18/3, gia đình bà Nguyễn Thị Quỳnh Như (ngụ tại P.4, Q.3) đã phản ánh: chiều 17/3, khi đón con là bé Đoàn Ngọc Diệp (hai tuổi) từ Trường mầm non 4A (Q.3) về thì phát hiện bé đã bị gãy tay.

Sáng 18/3, gia đình bà Nguyễn Thị Quỳnh Như (ngụ tại P.4, Q.3) đã phản ánh: chiều 17/3, khi đón con là bé Đoàn Ngọc Diệp (hai tuổi) từ Trường mầm non 4A (Q.3) về thì phát hiện bé đã bị gãy tay.

 

Bà Như cho biết: Cách đây 10 ngày, bà làm thủ tục nhập học cho con là Đoàn Ngọc Diệp vào Trường mầm non 4A (ảnh). Sau một tuần tập làm quen với môi trường mới bằng cách chỉ học một buổi, đến ngày 17/3, con bà được xếp vào học cả ngày cùng các bé lớp “cơm nát” (nhóm trẻ từ 18-24 tháng). 16g ngày 17/3, khi đến trường đón con, bà Như thấy cháu khóc và kêu đau ở vai trái. Nghĩ cháu bị đau sơ, bà đưa cháu về. "Về nhà, khi tôi định thay quần áo cho con thì cháu cứ chỉ vào vai vừa khóc vừa nói tiếng một “giáo, giáo, đau, đau…”.

"Bảo cháu giơ tay lên để thay áo, cháu chỉ giơ được tay phải, tay trái không giơ lên được. Gia đình phát hiện ở vai trái cháu có vết đỏ, nên đưa cháu sang trường để tìm hiểu sự việc. Lúc này, hai cô giáo là Lê Thị H. và Uông Thị Ngọc H. đều đã về, gia đình có vào gặp cô hiệu trưởng. Nhà trường cho biết, lúc chiều khi tắm cho cháu, có thấy con tôi khóc và kêu đau nhưng không biết vì sao. Vết đỏ kia có thể là do rôm sảy. Thấy cháu kêu đau mãi, chúng tôi đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 1 kiểm tra. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ cho biết, cháu bị gãy xương đòn vai trái (gãy kín), phải bó bột quanh vai".

Bé 2 tuổi sáng đi học lành lặn, chiều về… gãy xương đòn
Trường mầm non nơi cháu Diệp bị gẫy xương đòn vai trái

Theo tường trình của hai cô giáo liên quan, sáng 17/3, ngày đầu tiên cháu Diệp ở lại trường học đến chiều, nên hai cô khá quan tâm. Suốt buổi sáng cháu Diệp ăn sáng và sinh hoạt với các bạn bình thường. Trưa, do cháu Diệp chưa quen nên khó ngủ, cô Lê Thị H. là người dỗ cháu Diệp ngủ. Đến sau 14g, cháu Diệp được cho ăn “xế”, cô Uông Thị Ngọc H. cùng một sinh viên thực tập thay quần áo nhưng cháu Diệp không chịu. Sau đó, cháu Diệp được một cô sinh viên bế đi tắm. Theo cô Vương Minh Tú, Hiệu trưởng Trường mầm non 4A: cô Lê Thị H. là giáo viên trực tiếp rửa người cho cháu Diệp chiều 17/3, đã nhận sơ sót là có hành động mạnh tay, để xảy ra tai nạn trên.

Trao đổi với chúng tôi, cô Vương Minh Tú cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, trường đã phối hợp với gia đình để tìm hiểu cho rõ. Trường lấy làm tiếc và xin nhận lỗi vì đã để xảy ra sự cố, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu Diệp. Chúng tôi đã cử giáo viên đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình và sẽ cố gắng cùng gia đình chữa trị cho cháu. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các giáo viên liên quan, cùng những sinh viên tập sự giải trình. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân, tuy nhiên, nhà trường xin nhận trách nhiệm trong vụ việc này. Kể cả trong trường hợp cháu Diệp bị té khi chơi đùa, hay va chạm… khiến xương đòn của cháu bị gãy thì nhà trường và giáo viên cũng xin nhận lỗi. Hiện chúng tôi đang cố gắng cùng gia đình làm mọi cách để cháu Diệp sớm bình phục”.

Theo cô Vương Minh Tú, trường đã tiến hành xử lý kỷ luật cô Lê Thị H. và cô Uông Thị Ngọc H. (là giáo viên chung nhóm) với hình thức cảnh cáo trước Hội đồng nhà trường, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm cho toàn thể giáo viên - công nhân viên.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: Với trẻ mầm non, việc đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ hàng đầu. Ngành xử lý rất nghiêm và quy trách nhiệm cho các đơn vị liên quan khi trên địa bàn để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ.

TS Lê Xuân Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương 3, Chủ tịch HĐQT Trường MN-TH Trí Tuệ Việt nói: Phải thừa nhận việc được thực hành trực tiếp trên trẻ nhỏ là một hạn chế có thật vì hầu hết trường công lập rất ít các nhóm trẻ dưới 24 tháng. Từ chương trình đào tạo đến thực tế vẫn còn khoảng cách.

Mỗi nhóm, mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm và cá tính riêng. Lớp nào cũng có vài ba trẻ đặc biệt, phải dùng những phương pháp đặc biệt, thậm chí phải dành giờ dạy riêng. Hơn nữa, giáo viên mầm non cực kỳ áp lực, phải vừa là cô giáo, vừa là mẹ, vừa là bác sĩ, còn là nghệ sĩ và là bạn của các bé trong lớp học.

Cả ngày quần quật, tối về nhà nếu không đi học nâng cao cũng phải dành thời gian chuẩn bị học cụ, lo việc nhà. Lâu ngày cũng dễ bị stress. Vì vậy, người quản lý cơ sở cần biết cách tạo không gian để giáo viên được xả stress, giảm tải áp lực tâm lý lẫn công việc.

Sự cố gắng nào cũng cần các yếu tố hỗ trợ, phụ huynh cũng cần hỗ trợ giáo viên hiểu con mình hơn để chăm sóc bé tốt nhất có thể.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news