Bé N. bị tổn thương nghiêm trọng vì phần lớn sụn tai bị dập nát đồng thời có nguy cơ nhiễm trùng do chó cắn.
Theo Thanh Niên, Người Lao Động, cháu T.V.N (18 tháng tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) khi đang chơi ở nhà hàng xóm thì bất ngờ bị chó dữ cắn vào vùng hàm mặt. Mặc dù ở thời điểm đó mẹ bé N. cũng có mặt và đã rất cố gắng để kéo con ra nhưng bé vẫn bị tổn thương nặng nề.
Tai phải của cháu T.V.N. khi bị chó cắn và sau khi đã được phẫu thuật tái tạo. Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Ngay sau khi sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương, cháu T.V.N. được gia đình chuyển ngay tới Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 15-6 vừa qua.
Trả lời PV trên báo Thanh Niên, bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình nhận định: trường hợp bé N có tổn thương khá hiếm gặp do vành tai bị mất một phần lớn sụn và da của gờ luân, hõm thuyền, gờ đối luân,… phần sụn còn lại cũng bị mất da và dập nát nhiều. Với kinh nghiệm nhiều năm trong phẫu thuật tạo hình, bác sĩ cho biết, tạo hình vành tai ngay lần đầu là rất khó khăn vì thiếu tổ chức sụn và da, kèm theo trên nền nguy cơ nhiễm trùng do chó cắn.
Sau 3 tháng, trải qua 2 cuộc phẫu thuật dựng lại khung sụn, may mắn là vành tai của cháu N. đã trở về gần như bình thường.
Các bác sĩ cho biết, trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn phải đi cấp cứu là rất phổ biến. Để bảo vệ trẻ nhỏ nên cách ly trẻ với vật nuôi ở khoảng cách an toàn. Khi thả chó thì phả rọ mõm, tuân thủ chích ngừa chó định kỳ.
Thu Hằng (tổng hợp)