Theo Giáo dục & Thời đại và báo Nông Nghiệp, bác sĩ Vũ Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cho biết, bệnh viện đang điều trị, theo dõi cho một trường hợp bé trai 9 tuổi bị chấn thương dập nát bàn tay vì nổ điện thoại.
Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, nơi điều trị cho cháu bé 9 tuổi bị dập tay vì điện thoại phát nổ. Ảnh: Internet
Bệnh nhân là cháu Phàn Minh K., 9 tuổi, trú tại thôn Bản Chang, xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên. Vào khoảng 16h ngày 1/9, cháu K. sử dụng điện thoại iPhone 5 vừa chơi game vừa cắm sạc pin thì điện thoại phát nổ, làm bàn tay trái bị dập nát và nhiều vết thương ở vùng ngực và cẳng chân trái, kèm nhiều mảnh vỡ nhỏ của chiếc điện thoại dưới da.
Ảnh minh họa
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viện đã nhanh chóng cấp cứu, xử trí vết thương. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của cháu K. đã ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Đây không phải vụ việc đầu tiên vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại khiến chiếc Smartphone phát nổ. Hồi tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân 37 tuổi nhập viên trong tình trạng bàn tay trái dập nát và ngón út bị mất 2 đốt.
Hình ảnh phim X-Quang cho thấy ngón tay út trên bàn tay trái của anh D. bị mất 2 đốt sau vụ nổ điện thoại. Ảnh: NLĐ
Nguyên nhân dẫn đến sự việc này chính là việc vừa sử dụng điện thoại để chơi game lại vừa sạc pin.
Chuyên gia khuyến cáo nên từ bỏ thói quen ngay lập tức
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Hoàng Lê Quang Nhật, giảng viên Khoa công nghệ Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho biết chất điện môi trong pin sẽ sôi lên khi đạt tới nhiệt độ cao, nhẹ nhẹ thì pin phồng lên, nặng thì nổ luôn.
Nguyên nhân cốt lõi là nhiệt độ. Còn các vấn đề gây ra sự quá nhiệt trên pin thì gồm có nhiệt độ từ máy như máy đang hoạt động hết công suất (vừa chơi game vừa sạc), nhiệt độ do quá trình nạp xả pin. Để ý khi sạc, các loại pin đều nóng lên, nhưng các hãng sản xuất luôn gắn cảm biến nhiệt cho pin để hạn chế nguy hiểm này.
Đã có quá nhiều trường hợp điện thoại phát nổ do thói quen sử dụng trong lúc sạc pin. Ảnh: Internet
“Cuối cùng do bộ sạc bị hư, hoặc mạch sạc bị hư. Ví dụ như để sạc điện thoại củ sạc thường là 5V, nhưng nếu bị hư hoặc sạc không phù hợp (củ sạc nhanh lên tới 9V) làm pin bị nạp điện nhanh quá nên nóng lên rồi nổ. Điện thoại cũ thì còn nguy hiểm hơn khi mạch sạc bị hư còn có thể gây ra giật điện cho người sử dụng”, anh Nhật nhận định.
Trong khi đó, trên Dân Trí, anh Hùng, một kỹ thuật viên chuyên sửa chữa điện thoại cho biết, cáp sạc ở Việt Nam muôn màu muôn vẻ, từ vài chục ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng. Thậm chí cáp sạc chỉ có 10.000 đồng thì sao mà an toàn. Những chiếc cáp này được bọc dây rất kém, có thể rò điện gây giật. Chưa kể các cốc sạc với những bản mạch kém cũng gây ra đoản mạch, nạp điện vào thiết bị không ổn định, chai pin. Lâu dần sẽ khiến pin phát nổ.
Đặc biệt, anh Hùng cho biết, lúc vừa sạc vừa chơi game, viên pin của di động sẽ thực hiện cùng lúc 2 công việc đó là sạc và xả năng lượng liên tục. Điều này dẫn đến việc quá tải và có thể khiến pin phát nổ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Vì vậy, người tiêu dùng nên từ bỏ thói quen mua sắm các mặt hàng phụ kiện rởm, kém chất lượng. Đồng thời, nên dừng ngay việc vừa sạc pin vừa chơi game. Hãy để pin sạc đầy, tháo khỏi ổ điện trước khi sử dụng.