Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp riêng Thủ tướng Nhật để trao đổi về các vấn đề quốc tế. Tổng thống Mỹ cho rằng căng thẳng, tranh chấp trên Biển Đông không do Mỹ gây ra.
Trên VOV dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama nói về quan hệ Mỹ - Việt Nam và Trung Quốc:
"Tôi xin nói ngắn về Trung Quốc,
Quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam đang ngày càng phát triển, diễn ra hoàn toàn không dính dáng gì đến Trung Quốc (hoàn toàn là độc lập với Trung Quốc). Quan hệ đối tác này đặt trên cơ sở những quan tâm chung về việc mở rộng thương mại, mở rộng hợp tác về mọi mặt, đó là nỗ lực của 2 bên trong thời gian 30 năm.
Nếu Trung Quốc cứ coi đó kiểu như là một sự khiêu khích đối với Trung Quốc thì tôi nghĩ kiểu hành xử đó cho thiên hạ thấy rõ hơn về thái độ của Trung Quốc, chứ chẳng nói lên được điều gì về thái độ của chúng tôi.
Sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, hoặc giữa Trung Quốc và Philippines, hoặc là giữa Trung Quốc với các bên khác về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không phải là do chúng tôi gây ra.
Chúng tôi mong muốn giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp này. Làm thế nào để tránh những tranh chấp này xảy ra cũng không phải là việc của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc và Việt Nam đối thoại với nhau và có khả năng giải quyết những tranh chấp đó. Chúng tôi không đứng về phe nào trong vấn đề đòi hỏi lãnh thổ. Cho nên việc giải quyết tranh chấp là hoàn toàn là trong phạm vi quyền lực của Trung Quốc.
Mục đích của chúng tôi trong vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ tại Biển Đông chỉ đơn thuần là để duy trì tự do hàng hải, tự do vùng không phận bay và việc duy trì quy tắc và chuẩn mực quốc tế ở đây bởi vì chúng tôi cho rằng mục đích đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong đó có Trung Quốc".
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo giới liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tổng thống Obama cho biết nước Mỹ ủng hộ đối thoại và giải quyết vấn đề trên luật pháp quốc tế.
Ông Obama cho biết: “Chúng tôi mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Những tranh chấp này được giải quyết như thế nào phụ thuộc lớn vào cách hành xử của Trung Quốc. Đối với Biển Đông, chúng tôi chỉ muốn duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không, bảo vệ trật tự quốc tế, và tôi nghĩ điều này có lợi cho tất cả các bên, kể cả Trung Quốc”.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vấn đề Biển Đông, chiều 26/5/2016, nhân dịp thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng Thư ký Ban Ki Moon tại Nhật Bản. Ảnh: VOV |
Tại cuộc họi đàm, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhắc lại lập trường nhất quán ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mong ASEAN và Trung Quốc hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển đông (COC).
Đức Hòa (tổng hợp)