Những con đường nhỏ bao phủ bởi bụi, tắc vì những đoàn xe chở công nhân đang rời nhà máy. Tiếng gầm rít của máy công trường, tiếng gọi nhau í ới của hàng vạn con người, tiếng mời chào hàng quán, tiếng còi xe…thứ âm thanh hỗn tạp ấy phát lên từ đám bụi mịt mù…
Đêm không yên bình ở khu công nghiệp (KCN) Yên Bình
Rời khu phố Hàn Quốc, đêm hôm sau chúng tôi hòa vào cuộc sống của những công nhân đang làm việc ở khu công nghiệp này. Họ chủ yếu sống trong KTX hoặc thuê trọ nhà dân quanh nhà máy.
Màn đêm buông xuống, toàn bộ khu nhà máy Samsung rực sáng ánh đèn, khiến cả khu vực này sáng như ban ngày. Người dân ở đây cho biết, trước đây toàn bộ khu này là cánh đồng và dân cư thưa thớt, lúc nào cũng tối thui. Ngày Samsung mới về đây, nhiều người già trong thôn này nửa đêm thức dậy cứ tưởng là trời đã sáng vì ánh điện tỏa ra từ khu vực nhà máy.
Phía trước cổng KTX, dù bụi vẫn mịt mù nhưng có vẻ không ngăn được những bước chân yêu đương, hẹn hò của công nhân. Công nhân quẹt thẻ ra vào đông đến nỗi phải xếp hàng, phía bên ngoài nhiều thanh niên đang đứng chờ sẵn. Họ dẫn nhau vào khu chợ tạm gần đó để tránh bụi và mua sắm, cũng có đôi đi về hướng rìa làng, nơi ánh sáng không hắt tới…Tiếng tán tỉnh, ghẹo nhau râm ran như công viên phố thị.
Đoàn đường đi vào nhà máy Samsung luôn ùn tắc và ngập bởi bụi. Ảnh: Hà Khê |
Nhung - cô gái đã dẫn chúng tôi mục sở thị phố Hàn Quốc - bước ra từ một trong các cổng KTX ấy, cô vẫn tươi tắn như ngày nào, chỉ khác là trên người vẫn mặc bộ đồng phục của công ty. Chiếc áo sọc xanh mà tôi đã lóa mắt từ chiều vì bắt gặp quá nhiều người mặc loại áo này. Nữ công nhân dẫn chúng tôi vào chợ.
Chợ đêm ở đây còn nhộn nhịp hơn cả ban ngày bởi lúc đó công nhân mới có thời gian để đi chợ. “Đi chợ là cách để nhớ về thành phố hoặc là cách giải quyết nỗi buồn chứ không hẳn là mua cái gì cả”, Nhung lý giải.
Đang loay hoay ở chợ, chợt giọng một cô gái hét lên: “Cái ví của em đâu rồi?” và khóc nức nở. Lúc này Nhung mới nói với chúng tôi: “Em quên dặn các anh, ở đây phức tạp lắm, móc túi, trộm cắp như rươi. Các anh phải để ý không bị mất ví và điện thoại đấy”, tôi giật mình sờ tay xuống túi quần, vẫn yên tâm khi thấy cồm cộm.
Xen lẫn khu chợ đêm công nhân là làng tái định cư của những người trong diện giải tỏa xây dựng nhà máy. Có thể nói đây là khu đẹp và sầm uất nhất xã Đồng Tiến như vị Phó chủ tịch xã Đặng Đức Kiên nói với chúng tôi: Mỗi hộ được đền bù từ 1,5 đến 10 tỷ đồng. Khấm khá lắm”.
Khu này được ví như chợ ẩm thực ở phố cổ Hà Nội, nào là bia, mực, chè các loại cho đến ốc, hải sản, quán nhậu…nhưng nhiều nhất vẫn là quán ốc. “Ốc vừa nhanh lại vừa rẻ, hợp với công nhân ít thời gian như bọn em”, Nhung nói rồi dẫn chúng tôi vào một quán ốc trong chợ ẩm thực này.
Vừa làm được vài cốc bia thì nghe tiếng bước chân chạy thình thịch. Thì ra hai nhóm thanh niên đang đuổi nhau, khiến một góc đường tán loạn. Ghế nhựa bay tứ tung. “Lại đánh nhau”, Nhung càu nhàu nhưng vẫn thản nhiên cụng ly với chúng tôi như không hề có chuyện gì xảy ra. Cậu em đồng nghiệp của tôi thì mặt tái nhợt.
Trộm phá khóa giữa ban ngày
“Khu công nghiệp Yên Bình nhưng chẳng yên bình chút nào. Đâm chém nhau thường xuyên, nhất là những công nhân xây dựng ở các công trường xung quanh nhà máy. Đợt mới lên đây, em trọ ở ngoài những đánh nhau nhiều quá, có lần nhóm công nhân đuổi đến chém một anh cạnh phòng trọ em giữa đêm khuya. Chuyện nữ công nhân đi làm đêm về bị chặn đường sàm sỡ là bình thường. Sau lần đó em chuyển vào KTX”, Nhung nói khi chia tay chúng tôi để vào KTX.
Chia tay Nhung để về phòng, chúng tôi vẫn chưa hết ám ảnh bởi những gì xảy ra trong buổi tối hôm ấy. Thế nhưng, theo Nhung thì “thời điểm này còn yên ổn chán, chứ ngày công nhân mới lên đây, trộm cắp, đâm chém xảy ra liên tục”.
Mang những câu chuyện ghi chép được trong đêm, sáng hôm sau chúng tôi đến gặp chính quyền xã Đồng Tiến để tìm hiểu sâu hơn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND ông Đặng Đức Kiên cũng lắc đầu ngao ngán về thực trạng này. Đang kể cho chúng tôi nghe vài vụ việc điển hình thì như sực nhớ ra điều gì, ông Kiên vội lấy điện thoại gọi cho ông Phạm Quang Vinh, Trưởng Công an xã Đồng Tiến sang phòng làm việc. Vì “anh Vinh nắm rõ nhất về trật tự trị an trên địa bàn”.
Đúng lúc đó, anh Hoàng Văn Tình (SN 1985, quê ở Mỹ Lộc – Nam Định) là công nhân nhà máy Sam Sung đến trình báo về việc phòng trọ của anh bị kẻ trộm phá khóa, đột nhập lấy đi nhiều tài sản giá trị. “Khi tan ca đi làm về (6h chiều), phòng trọ của tôi bị phá khóa. Kẻ gian lấy đi chiếc xe máy Sirius và một chiếc điện thoại Samsung Galaxy”, anh Tình thất thểu đi cùng chủ nhà trọ ra công an xã để trình báo. “Lại thêm một vụ trộm cắp”, vị Trưởng công an xã thở dài.
Anh Tình đang trình báo với công an xã Đồng Tiến về việc phòng trọ anh bị trộm phá khóa lấy cắp xe máy. Ảnh: Hà Khê |
Sau khi hướng dẫn bị hại làm đơn trình báo, ông Phạm Quang Vinh cho hay, khoảng hai năm trở lại đây, trên địa bàn xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp tài sản. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an xã cùng với nhân dân đã bắt 3 nhóm trộm cắp, chuyển hồ sơ lên công an huyện. “Nhiều kẻ giả danh công nhân, đột nhập các khu trọ để trộm cắp tài sản. Số lượng công nhân ở đây rất đông nên rất khó kiểm soát. Chúng tôi vừa tích cực tuần tra vừa tuyên truyền để bà con cảnh giác”, ông Vinh nói thêm.
“Với một số lượng lớn công nhân đột ngột đến sinh hoạt, làm việc ở địa phương khiến vấn đề quản lý cư trú của chúng tôi không thể kiểm soát được hết. Riêng chỉ làm mỗi việc đăng ký tạm trú tạm vắng cho từng ấy con người, lực lượng công an xã không thể kham nổi”, ông Đặng Đức Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã phân trần.
Ông Kiên thở dài cho biết xã rất vất vả để quản lý từng ấy con người, riêng việc đăng ký tạm trú tạm vắng cho công nhân công an xã cũng làm không xuể. |
Chỉ tính trong buổi sáng PV có mặt, ông Phó Chủ tịch xã đã phải ký “mỏi tay” giấy tờ một cửa còn phòng công an xã luôn quá tải lượng người đến trình báo, khai báo tạm trú tạm vắng.
Hà Khê