Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh rất nhiệu phụ nữ mắc phải, gây ra những hệ lụy khó lường.
Biểu hiện của trầm cảm sau sinh:
Suy nhược cơ thể
Sau khi sinh con xong nhiều phụ nữ cảm thấy đau khổ, vô vọng, buồn chán và khóc lóc cả ngày mà không rõ nguyên do. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.
Trầm cảm sau sinh khiến phụ nữ mệt mỏi, chán nản. |
Thấy lo lắng, căng thẳng
Những phụ nữ mắc chứng này thường xuyên cảm thấy lo lắng, băn khoăn, họ luôn thấy hoảng hốt vì bất cứ chuyện gì dù là nhỏ nhất. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được.
Đau đớn không rõ nguyên nhân
Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ. Những người khác lại đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.
Khó ngủ
Giấc ngủ trở thành xa xỉ đối với họ. Họ luôn muốn ngủ nhưng không thể ngủ nổi. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được tí gì. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.
Không có nhu cầu tình dục
Họ lãnh cảm và không muốn gần gũi chồng. Đây là lý do khiến rất nhiều cặp vợ chồng tan vỡ nếu chồng không chịu tìm hiểu nguyên nhân và cùng vợ vượt qua.
Một số tác hại kinh hoàng của chứng trầm cảm sau sinh
Trầm cảm nặng dẫn đến giết người, tự sát
Trao đổi trên Trí Thức Trẻ, TS. Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), TS. Dũng cho biết: ""Trầm cảm nặng, bệnh nhân thường có ý tưởng và hành vi tự sát. Đối với trầm cảm sau sinh là một trong những rối loạn cảm xúc do sự mất cân bằng với nội tiết tố của phụ nữ sau sinh.
Bệnh nhân bị trầm cảm thường có những biểu hiện lo âu. Nếu không có các sang chấn tâm lý tiếp diễn, thì bệnh nhân dễ dẫn tới hành vi tự sát hoặc trầm cảm nặng. Khi đó bệnh nhân có thể giết con hoặc tự tử, vì bệnh nhân cho rằng những nguyên nhân đó làm họ tổn hại".
TS. Dũng nói thêm: "Trong sự việc này, người mẹ có hoang tưởng của con cái, bệnh nhân có ý hủy hoại đứa con, sau đó sẽ tự sát. Đó là một trong những biểu hiện của trầm cảm".
Có rất nhiều những vụ án mạng thương tâm liên quan đến căn bệnh này. Vụ án gần đây nhất là bé trai 33 ngày tuổi bị mẹ sát hại. Sáng 14/6, theo kết quả điều tra của cơ quan công an, nghi phạm sát hại bé Vũ Việt A. được xác định chính là mẹ đẻ của em tên là Phan Thị Tr. (SN 1998). Bước đầu tại cơ quan công an, Phan Thị Tr. đã khai nhận hành động giết con trai mình.
Công an thu giữ vật chứng tại hiện trường vụ án mẹ sát hại con 33 ngày tuổi. |
Tr. là người sinh hoạt ở địa phương trước có biểu hiện trầm cảm, bố đẻ của Tr. có tiền sử bệnh thần kinh.
Trước đó vào khoảng 5h40 ngày 12/6, ông Vũ Đình Lăng (SN 1948, trú tại thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) phát hiện cháu nội là cháu Vũ Việt A. nằm sấp ở chậu nước trong nhà. Ông Lăng bế cháu lên thì xác định cháu bé đã tử vong.
Được biết, tối 11/6 bé A. ngủ cùng bố mẹ ở buồng tầng 1, tại bậc thang ở ngoài trời từ tầng 1 đến tầng 2 có dòng chữ "Tao sẽ giết cháu mày".
Như trường hợp của Đ.T.H (27 tuổi) ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngày mùng 3 Tết, chị H giết hại đứa con 5 tháng tuổi rồi nhảy xuống giếng tự tử.
Tuy nhiên, sau đó người mẹ may mắn được cứu sống do người thân kịp thời phát hiện chị này dưới chiếc giếng (mực nước ngang thân người) lâu ngày không sử dụng phía sau nhà.
Thi thể bé trai ngay sau đó đã được người thân trong gia đình đưa đi chôn cất. Còn chị H. được cơ quan điều tra đưa đi khỏi hiện trường.
Cách phòng tránh chứng trầm cảm sau sinh
Các bác sĩ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết, khoảng 40% phụ nữ mắc hội chứng này sau khi sinh con đầu lòng; nửa số sản phụ bị trầm cảm sau sinh đã tái trầm cảm lúc sinh con thứ 2.
Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sanh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà. |
Các rối loạn tâm thần thường xuất hiện khoảng vài ngày đến 6 tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau. Ở dạng trầm cảm nhẹ, đẻ xong khoảng 3-4 ngày người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân, khóc vô cớ.
Trầm cảm ở dạng nặng, người mẹ thường buồn rầu, cáu gắt vô cớ, rối loạn hành vi, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Theo các nghiên cứu tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), có đến 50% số người muốn giết hại người khác hoặc tự sát.
Ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn văn phòng TT&T cho rằng, về cơ bản trầm cảm là trạng thái bệnh lý xuất hiện sau khi người ta trải qua một biến cố lớn hoặc cú sốc mạnh như sinh con, phẫu thuật, xúc động mạnh, ức chế tâm lý…
Ông Sĩ nhìn nhận, đối với những trường hợp mắc chứng trầm cảm nặng dẫn đến mất ý thức, bệnh nhân không kiểm soát được những hành động của mình và có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh. |
Nhằm hạn chế những sự cố ngoài ý muốn xảy ra với sản phụ, tại các nước tiên tiến trên thế giới, phụ nữ khi mang thai được hướng dẫn bài bản về những bài tập hít thở, động tác vận động, tư thế sinh… để không bị sốc với những vấn đề xảy ra trong lúc vượt cạn.
Tại Việt Nam, theo ông Sĩ, các tổ chức xã hội về bà mẹ và trẻ em cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho phụ nữ. Song song đó, phía gia đình cũng cần quan tâm chăm sóc chu đáo hơn, tránh để người mẹ phải lao động chân tay, suy nghĩ căng thẳng hay ức chế tâm lý.
“Nếu sản phụ được chăm sóc tốt, được sống trong một môi trường lành mạnh, thoài mái và không bị áp lực về tâm lý, công việc thì ít có nguy cơ trầm cảm”, ông Sĩ nói.
Trang Vũ (Tổng hợp)