Tại sao lại có hiện tượng sinh con rùng rợn như vậy? Đó là sự kỳ diệu của tạo hóa, hay còn sự thật gì đứng đằng sau?
Không ai có thể phủ nhận rằng cơ thể chúng ta là những bộ máy tuyệt vời với khả năng thực hiện những điều không tưởng. Mọi kiến thức mà loài người khám phá ra đều dẫn ta từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Thậm chí, ngay cả khi sự sống đã rời đi, cơ thể con người vẫn có thể làm nên những kì tích. Đó là hiện tượng "coffin birth" - khi phụ nữ đã qua đời vẫn sinh con.
Coffin birth - hiện tượng kỳ lạ, khi sản phụ chết rồi mà con vẫn ra đời
Các tài liệu sớm nhất từng ghi chép về hiện tượng này đa phần được tìm thấy ở châu Âu. Chẳng hạn như vào năm 1551, một phạm nhân nữ của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha đã sinh con vào thời điểm… 4 tiếng sau khi bị tử hình bằng thòng lọng treo cổ.
Năm 1663 tại Bỉ, một sản phụ qua đời do sản giật cũng trải qua hiện tượng tương tự. 3 hôm sau ngày đó, con của cô ra đời trong sự sửng sốt của tất cả những người chứng kiến.
Rất nhiều trường hợp khác cũng đã được ghi nhận về việc sản phụ sinh con sau một khoảng thời gian nhất định khi họ đã chết.
Bí ẩn rùng rợn đằng sau sự kỳ diệu của tạo hóa
Điều đáng nói là ở chỗ: việc sinh đẻ cần tới sự phối hợp co thắt, giãn mở… nhịp nhàng của các bó cơ tử cung, hình thành những cơn rặn là lực đẩy chính giúp em bé có thể chào đời.
Thai nhi chỉ thực hiện các động tác thụ động giúp cho quá trình chuyển dạ dễ dàng và thuận hơn, chứ không thể tự di chuyển ra ngoài được. Vậy thì trong điều kiện không có thêm bất kì sự can thiệp nào từ bên ngoài, làm sao mà em bé "chui ra" được nhỉ?
Hóa ra cơ chế kì diệu đằng sau hiện tượng này là một hệ quả của quá trình phân hủy xác.
Các bà mẹ đã tử vong đúng là không thể sinh ngay sau khi mới mất, vì toàn bộ cơ thể đã ngừng hoạt động. Hệ nội tiết ngừng bơm hormone, phổi ngừng thở không còn cung cấp dưỡng khí để chuyển hóa thành năng lượng và cơ tử cung, cũng như tất cả các bộ phận khác đã tê liệt chẳng còn vai trò gì trong quá trình "chuyển dạ" đặc biệt này.
Nhưng cơ thể chết đi, đổi lại là sự sinh sôi của vương quốc các vi khuẩn kị khí. Chúng phân hủy xác, tạo ra các loại khí như CO2, metan, amoniac, hidro sunfit… Thể tích khí ngày càng tăng lên phía trong tử thi, tạo ra áp lực đến nội tạng, trong đó có tử cung.
Lực đẩy của khí khá mạnh, tương đương như những cơn co bóp tử cung ở các ca sinh đẻ bình thường. Đó chính là lý do vì sao các em bé có thể ra đời ngay cả khi mẹ của chúng đã chết.
Tuy nhiên, trên thực tế thì rất hiếm em bé nào thực sự sống sót được nếu dựa vào hiện tượng này. Các bé phải ở trong tử cung mẹ quá lâu (thường từ 4 tiếng đến vài ngày), dẫn đến ngạt, nhiễm độc máu, hết dinh dưỡng...
Đặc biệt, theo các nhà khoa học thì với tốc độ phát triển của xã hội, hiện tượng coffin birth này sẽ ngày càng hiếm hơn. Lý do là vì các xác chết thường được đem hỏa thiêu, hoặc được ướp chất bảo quản (đối với xác chết hiến tặng cho khoa học) trước khi có thể phân hủy và tạo khí.
Theo Helino/Trí thức trẻ