Tin mới

Bí ẩn về người đàn bà "ma nhập" giết con nhân tình

Chủ nhật, 30/03/2014, 15:44 (GMT+7)

Ít ai biết rằng dòng thác Đambri mang vẻ đẹp tráng lệ nhưng lạ lùng của vùng đất cao nguyên TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) chứa đựng những câu chuyện bí ẩn, đẫm nước mắt ám ảnh bao thế hệ.

Ít ai biết rằng dòng thác Đambri mang vẻ đẹp tráng lệ nhưng lạ lùng của vùng đất cao nguyên TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) chứa đựng những câu chuyện bí ẩn, đẫm nước mắt ám ảnh bao thế hệ.

Trong đó, có câu chuyện về người đàn bà giết con hàng xóm trong giếng sâu... Và rồi, mọi nỗi đau nhân sinh đều đổ lỗi tại dòng thác nước cuộn chảy ngày đêm?!

Tình yêu mù quáng với hành vi giết con để mong lấy cha?!

Tìm gặp người phụ nữ trở về miền đất Đambri sau 16 năm tù giam lưu lạc tại các nhà tù trên mảnh đất Tây Nguyên không khó bởi gần như không ai đang sống trong xã Đambri (TP. Bảo Lộc) không biết đến cô, hay quên được câu chuyện về cô gái trẻ xinh đẹp có dã tâm giết cậu bé Đỗ Trọng T. (SN 1987, tại xã Bảo Lâm) chỉ bởi chữ tình. Đến Đambri, tôi được gặp người đàn bà mà người đời tương truyền là “người đàn bà ma nhập, là con ma oan tình của cô gái Cơ Ho (nhân vật chính trong truyền thuyết của thác nước Đambri)”. Bây giờ, người ta không gọi người đàn bà ấy là “kẻ giết người”, “con điên” như trước, mà họ gọi bằng tiếng “cô” trong từ “cô quả”, “ni cô”.

Có thể bạn quan tâm Video đĩa thủy tinh tự rơi trong nhà hàng ma ám

Người ni cô ấy chính là Nguyễn Thị H. (SN 1968, hiện đang sống trong ngôi chùa B.N, cách thác Đambri gần một cây số). Nhìn vóc dáng dong dỏng, nước da trắng ngần, giọng nói nhẹ nhàng không ai nghĩ rằng người đàn bà này chính là kẻ giết người. Nhưng cách nay 16 năm, cô chính là kẻ giết một đứa bé khôi ngô, ngoan hiền. Và cũng từ đó, cô bị người đời nguyền rủa bằng những lời căm phẫn, cay nghiệt vô cùng.

Giọng nói trầm ngâm, nghẹn ngào, cô H. giãi bày: “Cuộc sống những năm tù giam lạnh lẽo cùng những giờ phút ngẫm suy về tội lỗi đã gây ra tôi nhận ra luật nhân quả cuộc đời. Thế giới hiện tại của tôi bây giờ là được mở lòng sớm khuya bên tiếng chuông chùa, với tiếng kinh cầu để mong vong linh cháu T., và những ai còn lòng trắc ẩn nghĩ về tội lỗi của tôi hãy sẵn lòng tha thứ...”.

Lời cô H. không phân tỏ thanh minh nhưng nghẹn ngào, cay đắng. Ngày ấy, khi mới ở tuổi 25, 26 cô gái trẻ Nguyễn Thị H. đem lòng yêu người đàn ông hàng xóm đã có vợ con ở cạnh nhà (tên Đỗ Trọng Th., SN 1963). Cô H. kể lại: “Như bao người khi yêu, con mắt người ta thường không nhìn thấy đường đi ngay thẳng. Và tôi cũng không ngoại lệ, mỗi một ngày một đêm trôi qua tôi đều mong ngóng gặp người ấy. Thế nhưng, người đàn ông ấy không thể bỏ vợ con được...”. Cô H. đi xem bói và được ông thầy gieo quẻ rằng: “Con phải giết đứa con trai người yêu mới có thể giữ được trái tim người con yêu”. Thế là, sau khi đi xem bói về chưa đầy ngày thứ ba, cô H. liền tìm cách giết chết cậu bé Đỗ Trọng T. (SN 1987, con trai người tình trong mộng).

Kế hoạch giết người nhanh chóng được lập ra rất cẩn mật. Cô H. dụ bé Đỗ Trọng T., khi ấy mới 7 tuổi đến một chiếc giếng sâu trên một ngọn đồi gần nhà rồi nói: “Cháu xuống giếng tìm giúp cô chiếc nhẫn bằng vàng mà hôm trước cô có tranh giành với người anh nên ném xuống”. Nghe người hàng xóm ngậm ngùi tiếc chiếc nhẫn, đứa trẻ vốn ngây thơ, ngoan ngoãn trèo xuống giếng tìm vàng giúp cô hàng xóm. Vừa phát hiện đứa trẻ xuống tới đáy giếng sâu cũng là lúc chiếc dây thừng trên tay cô gái buông thõng. Trong giây phút âm thanh tiếng trẻ con kêu cứu vọng cả một quả đồi, nhưng chẳng ai hay sự việc. Rồi âm thanh ấy cũng bặt tắt khi màn đêm buông phủ.

Cô Nguyễn Thị H. (đội nón) đang trò chuyện với khách viếng chùa B.N (Ảnh H.Trần)


Lời đồn thổi không căn cứ uống nước Đambri thành kẻ giết người

 Vài ngày sau, cả làng quanh thác Đambri nhốn nháo với tin đồn về cháu bé Đỗ Trọng T. bị mất tích. Không ai mảy may nghi ngờ người hàng xóm hiền lành bên cạnh nhà có thể liên quan đến cái chết của cháu bé. Thế nhưng, vào một buổi chiều nọ, cô gái Nguyễn Thị H. ngồi khóc rưng rức bên hiên nhà, và nhận tội mình đã giết cậu bé T. ở chiếc giếng hoang trên ngọn đồi. Bao nghi hoặc về lời thú tội này chỉ được hóa giải khi xác cậu bé được cha mẹ vớt lên khỏi giếng. Không ai còn dám tin vào mắt mình.
Trong lúc cả làng bắt đầu khóc than cho số phận đoản mệnh của cậu bé 7 tuổi thì cũng là lúc kẻ giết người như bị thôi miên tỉnh lại trong giấc mộng. Bên cạnh nhà hàng xóm, tiếng  khóc của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh không ngớt. Còn tại nhà cô H., công an có mặt để bắt kẻ giết người đi tù. Lúc cô gái bị dẫn đi khỏi con đường đồi, chỉ có những giọt nước mắt như suối chảy lăn trên mặt thay lời từ biệt người thân. Để rồi, sau nhiều năm liền, cô gái trẻ mang danh “giết người” lãnh án 16 năm tù giam mất hẳn tin tức với người thân sau những lần di chuyển nhà tù. Mọi người đồn rằng cô đã chết trong nhà tù Đ. ngay sau khi rời miền đất Đambri vài năm.

Từ đó, câu chuyện cô Nguyễn Thị H. ăn uống nước thác Đambri, bị cô gái Cơ Ho nhập vào mới giết đứa trẻ con người hàng xóm hòng lấy được trái tim yêu thương của người cha lan rộng thành một tin đồn thổi mơ hồ, kỳ lạ. Không ai lý giải được thực hư vì sao cô H. giết người. Thời gian đằng đẵng trôi qua, một ngày cuối năm 2011, xóm Đambri xuất hiện người phụ nữ tuổi trung niên tìm về làng có con thác mang tiếng “thác oan tình – thác Đambri”. Người dân dò hỏi mới biết người khách lạ chính là cô H. ngày xưa.
Dù chuyện cũ đã trôi qua hàng chục năm, nhưng khi người phụ nữ bất hạnh đi tù trở về thì câu chuyện thác oan tình Đambri trỗi lại những câu chuyện đau thương dai dẳng. Kết thúc câu chuyện về quá khứ đau buồn, cô H. nhìn ánh nắng hiu hắt rọi vào vòm cây bên ngôi chùa B.N nói: “Định mệnh con người trời tạo. Giờ mình chỉ nguyện ước thác bên nhà Phật để giải những tội lỗi gây ra. Thực tình ngày ấy, mình yêu trong muộn màng và mù quáng nên không thể nhìn nhận bằng lý trí. Lời của thầy bói đã tạo thêm những tiếng oan cho chính mình và vùng núi, con suối nơi đây...”.

Nỗi oan tình người dân trong vùng đồn thổi lâu nay, là những tiếng oan lòng cho cô gái Cơ Ho khóc người yêu trong một chiều nọ, nước mắt cô gái lâu ngày biến thành dòng thác Đambri cuộn chảy mãnh liệt đêm ngày trên mảnh đất cao nguyên Bảo Lộc. Và dòng nước mắt – dòng thác ấy lại ngấm vào đất đai, cuộc sống sinh hoạt con người quanh vùng tạo nên những oan tình không dứt?! “Từ ngày xin vào sống ẩn ở chùa B.N đã hơn 3 năm sau ngày ra tù trở về, tôi rất day dứt lương tâm về tội lỗi xưa. Trước khi vào chùa, tôi đã thành tâm nói hết hoàn cảnh mình với nhà chùa. Sau đó, sư phụ cảm thông và nhận vào chùa để sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời”, cô H. tâm sự.

Đổ lỗi cho dòng Đambri là không đúng

 Chia sẻ câu chuyện về cô nguyễn Thị H., ông Hà Minh Triển (trưởng thôn 7, nơi có vụ án giết con người tình cách đây 20 năm) cho biết: “Cô H. vốn là một cô gái quê mùa hiền lành, chất phác. Câu chuyện án tình của H. đã nằm trong chuyện xưa nhưng đến nay còn rất nhiều câu chuyện gia đình khác có liên quan đến tình duyên oan khúc, đoạn tình. Người ta gắn cho nó là bởi tại dòng nước của thác Đambri cuộn chảy đêm ngày ngấm vào từng giếng nước mỗi nhà. Người dân ăn uống nước đó mới sản sinh lên những câu chuyện đời, chuyện tình đẫm nước mắt như vậy. Nhưng thực tế, đây là một suy nghĩ “đổ mệnh”. Sau khi ra tù, cô H. đã về chùa B.N xin ăn chay niệm phật, làm công quả. Cô ấy cũng đã lý giải hành động giết người của mình là do “mù quáng, thiếu lý trí, nhất thời dại dột”. Còn những chuyện đồn thổi về thác Đambri, chỉ nhằm tạo nên sự huyền bí, ly kỳ  thu hút du khách đến thăm”.

Theo Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: ma ám