Nhiều ý kiến cho rằng đuổi học những học sinh đánh bạn ở Trà Vinh chỉ là hạ sách bởi nếu đuổi thì học sinh này sẽ học ở đâu? Ai sẽ theo dõi, quản lý, uốn nắn hành vi cho những em này sau khi bị đuổi học? Hậu quả sau này sẽ đi đến đâu?
Theo dự kiến hôm nay hội đồng kỷ luật trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh sẽ công bố quyết định kỷ luật đối với các học sinh đánh bạn.
Theo đề xuất cá nhân của hiệu trưởng nhà trường thì học sinh Dương Thúy V. lớp trưởng tổ chức đánh bạn và nam sinh ném cả chồng ghế vào nữ sinh P. có thể bị đình chỉ học. Thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều chuyên gia giáo dục, nghiên cứu tâm lý cho rằng, đuổi học là giải pháp hạ sách và nếu không xử lý hợp lý hậu quả sau này sẽ rất phức tạp. Nếu đuổi thì học sinh này sẽ học ở đâu? Ai sẽ theo dõi, quản lý, uốn nắn hành vi cho những em này sau khi bị đuổi học?
Bị đuổi học, lớp trưởng tổ chức đánh bạn hội đồng sẽ ra sao?
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Vietnamnet, Dương Thúy V. (lớp trưởng lớp 7/5) có hoàn cảnh gia đình khá éo le, thiếu sự chăm sóc của bố mẹ từ nhỏ. Cụ thể, từ V. lúc mới biết đi học thì bố mẹ V. ly thân. Bố lên tận TP HCM kinh doanh thiết bị điện, mẹ thì bỏ đi biệt tích. Thời gian sau đó, V. về sống với một người cậu tại phường 3, TP Trà Vinh.
Một người chị họ của V. cho biết, trước Tết vừa rồi gia đình chị đã đuổi V. đi vì không hài lòng. Tuy nhiên, người phụ nữ này không tiết lộ về lý do.
Kể từ đó, V. về sống với gia đình bên ông bà ngoại. Mọi việc ăn học, đưa đón cho đến họp phụ huynh đều do ông Phạm Công Sáng (người quản gia cho gia đình V.) lo toan.
Ông Sáng cho biết, thường ngày đi học, ông không thấy V. có những hành động bạo lực, nhà trường cũng không phàn nàn gì về V., thậm chí V. còn là một học sinh giỏi của trường.
Trao đổi trên VOV, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV): Đuổi học chỉ là hạ sách. Tâm lý học trò lứa tuổi THCS biến động rất phức tạp, vì thế, nếu bị đuổi học, hậu quả sau đó người lớn khó mà lường được.
Đồng quan điểm, trả lời về vấn đề này trên Infonet, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh cho biết, cần phải xem xét hiện tượng này từ gốc thì mới có cách giải quyết, chứ hình thức kỷ luật đuổi học chỉ xử lý được “phần ngọn”.
"Nếu nhà trường “buông tay” với các em học sinh hư, không dạy các em, đẩy các em ra ngoài xã hội thì ai sẽ dạy? Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em rất dễ bị sa ngã, lôi kéo phạm tội nếu không được giáo dục và định hướng tốt.
Để giữ bình yên cho trường nhưng tạo thêm mầm mống bất bình ổn trong xã hội nếu như các em đó chán nản, tham gia vào các hoạt động tội phạm thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?", bà Thanh băn khoăn.
Đây cũng là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ông cho rằng, nếu dùng biện pháp đình chỉ học tập với các em học sinh thì chẳng giải quyết tận gốc được sự việc.
TS Lâm phân tích: "Nếu đình chỉ học tập của những học sinh đánh bạn một vài tháng hay 1 năm thì liệu gia đình và chính quyền địa phương có thể quản lý tốt các em khi ở nhà không hay lại vô tình khiến học sinh đó có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với những cái xấu trong xã hội.
Đặc biệt, trong số những em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn như: bố mẹ bỏ nhau, ly thân…".
Theo TS Lâm, vụ việc này nên được xử lý bằng hình thức cách chức học sinh lớp trưởng. Những học sinh tham gia đánh bạn thì có thể bị kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường. Giáo viên, nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giáo dục học sinh sau vụ việc này.
Trường THCS Lý Tự Trọng cũng nên tạo cơ hội để học sinh sửa chữa sai lầm, hướng tới phục thiện nhân cách hơn là dùng hình thức đình chỉ học tập của các em. Nếu những học sinh đánh bạn không có ý chí phấn đấu, tiếp tục có hành vi hung hăng, côn đồ thì nhà trường có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp, xử lý.
Như tin tức đã đưa, ngày 9/3, trên mạng xã hội đã lan truyền clip ghi lại một nhóm học sinh mặc áo đồng phục, đeo khăn quàng đỏ dùng ghế nhựa ném và phang liên tiếp vào đầu một nữ sinh khác trong lớp học. Theo xác minh, vụ việc này xảy ra lúc 12h ngày 13/1 tại lớp 7/5, nạn nhân bị đánh trong đoạn clip là em Nguyễn Thị Hồng P. (học sinh lớp 7/5). Tham gia đánh em P. là một nhóm gồm 7 học sinh (cả nam lẫn nữ) của các lớp 7/4, 7/5, 7/13, 7/15. Cụ thể các nữ sinh gồm Dương Thúy V., Trần Ngọc Anh T., Trần Hồng G., Kim Thảo N., Cam Kim T. và hai nam sinh Lâm Trần Bình Tr., Lâm Trí Nh. Người cuối đoạn video clip phang chồng ghế xuống đầu em P. được xác định là nam sinh Lâm Trần Bình Tr.. Chia sẻ trên Vietnamnet guyên nhân bị bạn đánh hội đồng, nữ sinh P đã tiết lộ, vào đầu buổi học, bạn V (lớp trưởng) yêu cầu P đi mua đồ cho bạn nhưng em không đi. Sau đó, V tiếp tục bảo P đánh một bạn khác trong lớp nhưng em không chịu. |
H.Minh (tổng hợp)