Tin mới

Bí quyết đạt điểm cao thi THPT quốc gia môn Văn

Thứ tư, 29/06/2016, 09:20 (GMT+7)

Để đạt điểm cao môn Ngữ văn, ngoài việc nắm chắc kiến thức, học sinh cần sáng tạo trong cách làm bài.

Để đạt điểm cao môn Ngữ văn, ngoài việc nắm chắc kiến thức, học sinh cần sáng tạo trong cách làm bài.

Trên báo Giáo dục & Thời đại, bạn Đinh Thúy Vinh - sinh viên  khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại Thương - thi THPT quốc gia đạt 9 điểm Văn chia sẻ, để đạt được điểm cao, các bạn cần đầu tư thời gian thực sự. Không chỉ mình là các bạn cùng lớp chuyên Anh THPT ai cũng chăm chỉ và ôn luyện rất nhiều.

Riêng với bài Văn nghị luận, có một điều khiến chính các bạn chuyên Văn lại thường không được điểm cao môn này là do hay viết theo kiểu không "đánh" vào trọng điểm, ý chính.

Kinh nghiệm của mình thấy, muốn đạt điểm cao môn này trước hết cần viết đủ ý, đúng ý, không lan man. Do đó, cách học của mình luôn là học theo ý, sao đó mới đắp thêm vào để thành bài văn trọn vẹn.

Thêm một lưu ý nữa, để làm tốt bài văn trong kỳ thi, các bạn buộc phải viết bài, không thể chỉ dừng ở việc đọc.

Về thời gian học, các thầy cô thường chia sẻ tháng cuối trước kỳ thi không cần ngủ quá nhiều, chỉ dành ra khoảng 6 tiếng để ngủ. Đây là thời gian học dưới áp lực nên khá hiệu quả. Từ thực tế bản thân mình cũng thấy, ngủ nhiều quá khiến đầu óc u mê, thiếu sáng suốt, học hiệu quả không cao.

Một tuần trước khi thi, tần suất học nên giảm xuống, đừng cố nhồi nhét kiến thức vì nếu làm vậy sẽ dễ gây nhớ nhầm, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Các bạn có thể làm 1 - 2 đề để tâm lý đỡ lo nhưng hãy cố giữ tâm lý thật thoải mái.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Ninh, giáo viên tổ Văn Trường THPT Hà Nội - Amsterdam chia sẻ trên Dân trí, muốn đạt hiệu quả cao môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh phải nắm chắc được kết cấu bài thi với 2 câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Đối với câu nghị luận xã hội, thí sinh phải nắm chắc kỹ năng làm nghị luận xã hội, biết tổ chức ý trong bài. Học sinh cần chú ý cách tổ chức luận điểm như sau:

- Luận điểm phải khoa học, chính xác

- Luậ̣n điểm phải rõ ràng, mạch lạc

- Luận điểm phải có tính hệ thống

- Luận điểm phải sâu sắc mới mẻ (đề̀̀ xuất được ý kiến mới)

Sau khi có luận điểm rồi thì các em phải có dẫn chứng thực tế dựa vào vốn sống về xã hội, trải nghiệm xã hội để thuyết phục người đọc về nguyên nhân xảy ra, thực trạng hiện nay như thế nào, nêu các giải pháp. Các em nên dẫn chứng thực tế nhiều hơn dẫn chứng văn học.

Còn ở phần Nghị luận văn học, các em phải nắm rõ xuất xứ, chủ đề tác phẩm văn học ra đời trong hoàn cảnh nào. Đối với văn xuôi thì nắm vững cốt truyện, nhân vật, chi tiết, nội dung nghệ thuật, những sáng tạo độc đáo trong tác phẩm.

Nếu muốn viết được bài văn đạt điểm cao, ngoài việc tổ chức luận điểm sáng rõ mạch lạc, còn cần có kết cấu sáng tạo, từ mở bài đến kết bài. Khi bàn luận hoặc phân tích có đưa ra được những ý kiến mới, đòi hỏi người viết có cảm thụ tinh tê ́và khả năng tư duy độc lập, chọn được dẫn chứng tiêu biểu, trúng vấn đề, có lời bình hay, phát hiện độc đáo.

Ngoài ra, cũng phải chú ý việc triển khai ý khi phân tích tác phẩm văn xuôi phải mạch lạc, lôgic, từ khái quát đến cụ thể. Các ý có sự liên kết chặt chẽ.

Phân tích sâu rồi mới mở rộng so sánh với các tác phẩm tương đồng. Nên đa dạng hóa câu văn, kết hợp câu nghị luận với câu nghi vấn, câu khẳng định, câu biểu cảm, câu văn giàu hình ảnh... Phải huy động vốn từ phong phú.

Với tác phẩm thơ, học sinh cần nắm chắc hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, ví dụ: Với bài thơ Tây Tiến, các em phải hiểu bài này viết về đơn vị bộ đội nào, hoạt động ở đâu, hoàn cảnh thực tế họ trải qua gian khổ như thế nào. Điều đặc biệt, chính tác giả bài thơ là người trải nghiệm, người cầm bút, điều này đã giúp cho tác giả sáng tạo nên kiệt tác về người lính rất chân thực, sống động và bất tử.

Tác phẩm thơ khác với văn xuôi. Văn xuôi thiên về chi tiết, nội dung cốt chuyện còn ở thơ là hệ thống hình tượng và ngôn từ, hình ảnh.

Khi phân tích đoạn thơ các em nên đặt trong chỉnh thể tác phẩm và phải nắm được ý chủ đạo, phân tích mối quan hệ giữa đoạn thơ và nghệ thuật song song để làm nổi bật tư tưởng nội dung chính của đoạn thơ.

Dù phân tích văn xuôi hay thơ thì các em nên nhớ để vị trí của nhà văn trong tiến trình văn học. Ví dụ: Đối với nhà văn Tô Hoài thì tác phẩm Vợ chồng A Phủ được trao giải nhất vì cái mới nhà văn thể hiện tư tưởng nhân đạo, tố cáo giai cấp thống trị mà nhà văn đã miêu tả nhân vật trong tính cách đa chiều.

Một điểm đặc biệt cần lưu ý khi làm bài thi môn Văn là về chữ viết, cách trình bày, chữ viết cần đẹp, nếu không đẹp thì cần viết cẩn thận, rõ ràng. Chọn màu mực xanh sáng, không nên dùng màu mực đen vì chữ viết sẽ khó sáng sủa trên nền tờ giấy thi. Trình bày cẩn thận, hạn chế tối đa tẩy xóa. Các ý phải được trình bày tách biệt rõ ràng theo quy định viết đoạn.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news