Để tránh mất điểm khi làm bài thi môn Văn THPT quốc gia 2016, thí sinh cần chú ý tránh những sai lầm sau:
Chia sẻ trên Infonet, TS. Phạm Hữu Cường (trung tâm Hocmai.online) – người thầy 20 năm kinh nghiệm luyện thi môn Văn cho biết, một thực tế mà hiện nay chúng ta không thể phủ nhận là rất nhiều học sinh có hiện tượng học tủ. Nguyên nhân của việc này là thí sinh lại không nắm được quy trình ra đề thi của Bộ GD&ĐT: Đối với các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Ngữ văn, phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn.
Thí sinh làm bài thi môn Văn. Ảnh: Internet |
Vì vậy đề thi có thể rơi vào bất cứ bài nào trong chương trình, kể cả những bài vừa thi năm trước. Có thí sinh cho rằng năm trước, đề thi đã ra vào bài này, phần này nên năm nay sẽ không rơi vào bài đó nữa.
Đó là một nhận thức chủ quan, vừa sai lầm, vừa thiển cận nên học tủ trở nên cực kì nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh phân bổ thời gian làm bài thi không hợp lí. Các em nên làm phần đọc hiểu trong vòng 30-40’, câu nghị luận xã hội khoảng 54’, thời gian còn lại dành cho câu nghị luận văn học. Không nên lập dàn ý chi tiết hay viết nháp mở bài, kết chỉ nên vạch ra một số ý chính theo yêu cầu của đề, rồi vừa nghĩ vừa viết.
Hơn thế, nhiều thí sinh bị mắc lỗi thiếu ý, thiếu dẫn chứng. Để bài văn đạt điểm cao, cần trả lời chính xác, đầy đủ từng ý nhỏ trong từng câu hỏi của phần đọc hiểu. Các ý trong bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học càng sâu sắc, đầy đủ, toàn diện càng tốt. Lập luận cần chặt chẽ, lí lẽ cần sắc sảo thông minh, dẫn chứng cần xác thực, giàu sức thuyết phục.
Ngoài ra, các sai lầm thí sinh cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn như:
Lỗi về kiến thức văn học sử: Học sinh thường lẫn lộn các giai đoạn, các thời kì trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc; Không nắm được đặc điểm, nguồn gốc và hoàn cảnh ra đời của một trào lưu văn học, một xu hướng văn học; Lẫn lộn thời kì sáng tác và các tác phẩm của các tác giả; Không nắm được hoàn cảnh ra đời và tác động của hoàn cảnh đó đối với tác phẩm.
Lỗi về kiến thức ngôn ngữ: Lỗi về dùng từ: dùng sai, dùng bừa bãi nên hỏng văn, sai ý; Lỗi về câu: thiếu chủ vị, thiếu mệnh đề, câu dài lê thê, câu tối nghĩa, không dùng dấu câu; Lỗi về đoạn văn và văn bản : không triển khai được nội dung, không rõ về hình thức, không biết liên kết ý.
Lỗi về kiến thức làm văn: Lỗi về kiểu bài : Không phân biệt được kiểu bài dẫn đến bài viết thường giống nhau dù yêu cầu của đề bài rất khác nhau.
Lỗi về bố cục: Bố cục nội dung không rõ dẫn đến hình thức trình bày lộn xộn, cẩu thả.
Lỗi về diễn đạt và lập luận : Lỗi diễn đạt chủ yếu là ý một đàng dùng từ một nẻo. Lỗi lập luận chủ yếu là do thiếu sự chặt chẽ trong việc xác định ý và các vận dụng không thành thạo các thao tác lập luận.
Lỗi về tìm ý và lập dàn ý: Đây là loại lỗi rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả làm bài cũng như rèn luyện tư duy của học sinh. Lỗi thường gặp là: lạc đề, lạc ý, ý nghèo nàn…
Lỗi về kiến thức lí luận văn học: Không nắm được nội dung khái niệm và thuật ngữ lí luận văn học nên sử dụng lung tung thiếu chính xác; Khả năng vận dụng kiến thức lí luận văn học vào bài kém hiệu quả, vụng về, thiếu sức thuyết phục.
Lê Vy (tổng hợp)