Gia vị quan trọng nhất cho bất cứ mối quan hệ nào chính là cách mà chúng ta giao tiếp, vậy mà dường như chúng ta đang dần quên đi cách nói và nghe đối phương nói một cách chân thành. Vậy nên làm gì, giao tiếp thế nào để bắt đầu dựng xây và tiếp tục duy trì mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn?
1. Ngừng nói và lắng nghe
Có lẽ điều này được nhắc đến quá nhiều lần trong các tài liệu nói về kỹ năng giao tiếp, nhưng thực tế thật khó để chúng ta có thể làm theo một cách tự nguyện. Khi ngồi tranh luận về một vấn đề nghiêm túc nào đó, bạn thường không thể gạt đi những ý kiến cá nhân và chỉ lắng nghe. Bởi bạn sợ không có cơ hội nói, cũng không có cơ hội để người đối diện nghe và hiểu. Và vì vậy, ai cũng muốn tiếp tục nói, và chẳng ai được lắng nghe! Hãy ngừng lại,và thôi nghĩ về bản thân mà hãy hướng tới mối quan hệ của hai người để thấy rằng bạn nên thể hiện sự tôn trọng người kia bằng việc lắng nghe họ bằng cả trái tim mình.
Thay bằng việc nói, hãy nghe nhiều hơn |
2. Thuyết phục bản thân lắng nghe
Có thể đồng ý nhường cho đối phương nói, nhưng không hẳn là chúng ta đang thực sự nghe họ, bởi trong suy nghĩ chúng ta vẫn mông lung với những quan điểm muốn thể hiện. Các nhà trị liệu đã chia sẻ một phương pháp, đó là “thuyết phục” bản thân họ phải lắng nghe những điều bệnh nhân nói, sau đó nhắc lại những điều đó theo phản xạ. Có thể bạn chưa tin, nhưng đây là phương pháp đã được nghiên cứu và rất hiệu quả.
Nếu bạn lặp lại điều này quá nhiều lần có thể khiến đối phương khó chịu và cảm giác bị giễu cợt. Vì vậy, hãy tiết chế, sử dụng vừa phải, hợp lý. Nếu cần thiết bạn hoàn toàn có thể giải thích rõ ràng, rằng bạn đang cố gắng làm cho tâm trí tập trung để lắng nghe và thẩu hiểu những gì người kia nói với mình.
3. Thành thật với đối phương
Có nhiều người không muốn cởi mở, giao tiếp với những người xung quanh và họ thậm chí còn chẳng biết bản thân mình muốn gì. Nhưng nếu thực sự muốn bắt đầu một mối quan hệ, hãy tập cách mở lòng mình.
Che giấu cảm xúc thật sau chiếc mặt nạ bản lĩnh có thể khiến bạn tự tin, nhưng những người xung quanh chưa chắc đã nghĩ vậy. Chẳng ổn tí nào nếu bạn cứ luôn giả vờ rằng mọi thứ đang ổn. Và nếu cứ im lặng với đối phương
Bạn muốn mình thật tự tin với chiếc mặt nạ che giấu cảm xúc thật và những lời nói dối rằng mọi chuyện đều ổn. Nhưng như thế là bạn đang dần làm tăng khoảng cách với đối phương, bởi điều thật sự cần cho mỗi mối quan hệ, đó là sự thành thật... Hãy chia sẻ với người ấy về những điều mà trước đây chưa từng nói với ai, một cách chân thật nhất. Điều đó sẽ giúp bạn nhận ra giá trị thực của mối quan hệ bấy giờ, có thể khiến bạn khổ đau và thất vọng, nhưng cũng có thể là nền móng xây dựng một mối quan hệ bền vững. Vì thế hãy bắt đầu học cách mở lòng, với bản thân, và với đối phương của bạn!
4. Quan tâm hơn đến cử chỉ giao tiếp
Trong một mối quan hệ, việc bạn nói gì chưa chắc đã quan trọng bằng cách bạn thể hiện điều đó. Ngôn ngữ cơ thể, tông giọng, sự uyển chuyển, ánh mắt,... là những cử chỉ giao tiếp mà bạn nên chú ý khi nói chuyện với đối phương. Học cách giao tiếp nghĩa là bạn cần học cách giải nghĩa những dấu hiệu cử chỉ đó, để hiểu được người kia đang vui vẻ, thích thú hay khó chịu, giận dữ. Có thể sẽ tốn khá nhiều thời gian, nên hãy kiên nhẫn theo dõi và tìm hiểu. Đồng thời, bạn cũng nên thể hiện ngôn ngữ cử chỉ của mình một cách rõ ràng nhất để đối phương nắm rõ được sắc thái câu chuyện và cảm giác của bạn.
Quan tâm đến những cử chỉ, sắc thái giao tiếp |
5. Tập trung vào vấn đề hiện tại
Nhiều cuộc tranh luận bỗng chốc trở thành tranh cãi trong giây lát, và tiếp diễn ở những chủ đề vốn rất không liên quan. Hãy tôn trọng mối quan hệ bằng cách cố gắng giữ cho cuộc tranh luận đi đúng vấn đề ban đầu. Kể cả khi hai người tranh cãi rằng hôm nay ai rửa bát, thì hãy cứ tiếp tục nói về nó đi, chứ đừng lôi cả chuyện nấu ăn, dọn nhà vào đó. Nếu được như vậy, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mọi chuyện dễ giải quyết vô cùng.
Ka Linh