Các trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại Khoản 1 Điều này
Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn gồm
Điểm a Tiết 1.2.1 Khoản 1.2 Điều 6 Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của BHXH Việt Nam quy định về hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động lần đầu bao gồm:
1. Bản chính Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN (mẫu 05A-HSB) của đơn vị sử dụng lao động;
2. Bản sao Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ hoặc BNN (trường hợp điều trị nội trú);
3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;
4. Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện Giám định y khoa (trường hợp thanh toán phí Giám định y khoa).
Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động trong trường hợp tai nạn giao thông
Theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn vệ sinh, lao động, trường hợp người lao động bị Tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông;
- Biên bản điều tra tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội.
- Trường hợp không có Biên bản khám nghiệm hiện trường và Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn hoặc Biên bản điều tra tại nạn giao thông thì có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
Khi điều tra tai nạn lao động đối với trường hợp tai nạn giao thông thì những giấy tờ vừa nêu trên là một trong những thành phần hồ sơ làm căn cứ để đơn vị sử dụng lao động tiến hành điều tra, kết luận vụ tai nạn đó có được xem là tai nạn lao động không và những hồ sơ này phải được lưu trữ đầy đủ.
Như vậy, ngã xe trên đường đi công tác có được hưởng chế độ tai nạn lao động. Người bị nạn cần trình bày cụ thể với đơn vị sử dụng lao động để phối hợp cơ quan BHXH và được hướng dẫn thủ tục cụ thể.