Mẹ khùng, con cũng hóa dại vì thiếu ăn
Nhắc đến bà Thạch Thị Nhanh (dân tộc Khơ-me), người dân ở ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh cả gia đình từ người lớn đến trẻ con chỉ biết cười nói, ú ớ suốt ngày. Dù được mọi người thường xuyên giúp đỡ nhưng cái nghèo vẫn bám víu gia đình bà Nhanh từ năm này qua năm khác.
Ẵm đứa cháu gái út vừa tròn 1 tuổi vào lòng, bà Nhanh cố nhíu đôi mắt lờ mờ cho biết cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ khi chồng mất đi, cả hai đứa con gái của bà là Ông Thị Thư (30 tuổi) và Ông Thị Tím (28 tuổi) cũng hóa dại, suốt ngày chỉ biết nói cười.
Những đứa trẻ con lấm lem bùn đất, không được cắp sách đến trường trong gia đình bà Thạch Thị Nhanh.
Không được đi học, ăn không no, mặc không kỹ, đó là số phận của những đứa trẻ nơi vùng quê nghèo La Bang.
Nhìn hai đứa con gái, bà Nhanh xúc động: "Tụi nó có chồng hết chứ, nhưng con Tím bị chồng bỏ rồi, giờ một mình nó với hai đứa con. Con Thư thì tận 5 đứa, chồng cũng làm thuê cuốc mướn cho người ta. Số tụi nó khổ, từ nhỏ đã mất cha, giờ lại thiếu ăn thiếu mặc không đủ đầy để lo cho mấy đứa con". Để có tiền rau cháo qua ngày, bà phải đi mần cỏ mướn cho người ta, nhiều lúc không có công việc, cả gia đình lại kéo nhau đi lòng vòng khắp xóm để xin cơm.
Dù đã 28, 30 tuổi nhưng hai người con của bà Nhanh vẫn như đứa trẻ lên ba, lúc tỉnh lúc điên.
Bé Hồng và Tuyền dù đã quá tuổi đến trường nhưng suốt ngày chỉ biết ở nhà chơi cùng các em.
Ngồi lọt thỏm vào bụi tre trước nhà, chị Tím múa tay rồi chỉ trỏ, phá lên cười sằng sặc rồi cho biết, chị năm nay đến 38 tuổi còn người chị gái (chị Thư) chỉ mới 15. Khi được hỏi về gia đình, về chồng con, dường như ý thức được hoàn cảnh của mình, chị Tím lấy tay dụi mắt, nghẹn ngào nói: "Chồng nó bỏ đi rồi, có về nữa đâu. Em có 2 đứa con nè, mà nó giống cha của nó quá, thấy kỳ ghê. Nó đi được mấy tháng rồi, nó đi theo vợ nhỏ á. Em có làm gì đâu, ở nhà đi chơi thôi, lâu lâu theo mẹ đi làm cỏ cho người ta là xong".
Nép mình vào lòng chị Tím, Thảo (6 tuổi) và Tuyền (5 tuổi) nhõng nhẽo: "Mẹ ơi, sao cha đi lâu quá không về thăm tụi con, con đói bụng, con muốn được ăn cơm". Ôm hai đứa con vào lòng, chị Tím ngấn nước mắt: "Cha bỏ mấy mẹ con mình đi theo dì rồi, không về nữa đâu".
Hai đứa con của chị Ông Thị Tím vẫn thường ngây ngô hỏi mẹ về sự xuất hiện của người cha.
Trong khi đó, chị Tím vẫn vô tư không hề lo nghĩ, suốt ngày chỉ biết cười nói.
Mặc dù may mắn hơn đứa em gái khờ khi hạnh phúc gia đình còn được trọn vẹn, nhưng mỗi lần nhìn thấy cảnh 5 đứa con nheo nhóc (bé lớn nhất chỉ mới 9 tuổi, nhỏ nhất tròn 1 tuổi), chị Thư lại ngây ngô nói: "Thấy con nhiều mà không có ăn, em cũng buồn lắm. Nhưng em đâu muốn đẻ đâu, tự nhiên nó lại lòi ra đó chứ. Tụi nó không có đi học, em làm gì có tiền mà cho đi".
"Cơm ngày một bữa còn chẳng đủ thì sao tụi nhỏ được đi học"
Theo bà Nhanh, với số tiền khoảng 100.000 đồng bữa có bữa không từ việc đi mần cỏ mướn, để có đủ gạo với mắm ăn đã là một điều may mắn với gia đình bà. Vì vậy, dù 5 đứa cháu đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa một lần được cắp sách đến trường.
Sinh tận 5 đứa con, chị Thư cũng rơi vào cảnh túng quẫn nợ nần khi đứa lớn, đứa bé thiếu ăn thiếu mặc.
Bé Ông Thị Tuyền (3 tuổi) thường hay đói bụng nhưng lục lọi trong nhà không có gì để em ăn.
"Tụi nhỏ khờ lắm, cứ suốt ngày thấy mấy đứa trẻ hàng xóm đi học rồi về hỏi tôi làm sao để được đi học. Chúng đâu có biết là đến bữa cơm mỗi ngày còn phải chật vật thì làm sao tôi có tiền mà cho chúng đến trường được cơ chứ. Tôi cũng không biết sau này tụi nó lớn lên sẽ làm gì, chỉ sợ rồi cũng gióng như đời ông bà, mẹ của chúng. Cái nghèo khổ cứ bám víu mãi, nhưng đi học thì lấy tiền đâu mà lo", bà Nhanh bật khóc.
Nắng cũng như mưa, căn nhà đất chật chội được che chắn bằng những tấm tôn cũ kỹ là chỗ trú ngụ của hơn 10 người gia đình bà Nhanh. Nhìn vào chiếc nồi còn sót lại những miếng cơm cháy, 7 đứa trẻ tụm lại chia nhau cho qua cơn đói bụng.
Phúc là anh cả trong nhà nhưng cũng không biết làm cách nào để giúp đỡ các em qua cơn đói bụng.
Bé Hoàng khóc vì bữa cơm duy nhất trong ngày cũng không được ăn no.
Là đứa con lớn nhất của chị Thư, bé Ông Văn Phúc (9 tuổi) buồn bã nói: "Con chỉ muốn mỗi ngày được ăn no. Ước gì mẹ có tiền để mua quần áo rồi cho con và các em được đi học. Giờ con ở nhà trông em, lúc mẹ và bà đi làm là em cứ khóc hoài, con không biết làm sao dỗ cả".
Đưa đôi bàn tay lấm lem lên dụi mắt, bé Ông Huy Hoàng (6 tuổi) cho biết, hơn một ngày nay em vẫn chưa được ăn cơm vì nhà hết gạo. "Con đói bụng mà mẹ không có nấu cơm, con cũng quen rồi nên không có buồn mẹ gì đâu", Hoàng thỏ thẻ.
Sau những lúc đói bụng, những đứa trẻ lại hồn nhiên nô đùa.
Chúng quấn lấy nhau để chơi những trò con nít thôn quê.
Cứ mỗi lần nhìn con, chị Thư lại rưng rưng nước mắt: "Em không muốn các con bị đói bụng đâu, mà giờ không ai thuê mướn, em đâu thể đi làm gì được. Bé Thúy (1 tuổi) lại còn nhỏ. Em cũng không biết tính sao nữa".
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Mỹ Trinh, cán bộ xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết gia đình bà Thạch Thị Nhanh là một trong những hộ thuộc diện "nghèo bền vững" của xã Long Sơn khi không có cách nào để thoát nghèo.
Bé Thúy khóc mếu máo vì thèm sữa.
Bé Thảo rất muốn được mẹ cho đi học nhưng lại ngặt nỗi không có tiền.
"Nhà bà Nhanh thì đông cháu mà không có nghề nghiệp ổn định, mặc dù xã cũng có hỗ trợ nhu yếu phẩm, tạo nhiều điều kiện nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, không có công việc nào phù hợp để gia đình bà có thể làm lụng cả. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần vận động cho mấy đứa cháu đi học nhưng vẫn chưa được vì hiện tại, cái ăn gia đình còn chưa đảm bảo cho các cháu. Cũng mong có thêm nhiều sự hỗ trợ, đóng góp để giúp đỡ bà Nhanh, cho mấy đứa trẻ được đến trường đầy đủ", bà Trinh cho biết.
Không biết tương lai của những đứa trẻ này sẽ đi về đâu.
Khi gánh nặng cơm ngày ba bữa đã là cả một sự khó khăn chứ nói gì đến được ăn học.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Nhanh, cả 7 đứa trẻ đều không có điều kiện để được đi học, sống nheo nhóc bên bà ngoại già và người mẹ điên trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc. Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa giúp đỡ để gia đình bà Nhanh có cuộc sống tốt hơn, các bé được cắp sách đến trường.
Mọi đóng góp xin vui lòng qua số tài khoản ngân hàng BIDV, số tài khoản: 73510000464338. Chủ tài khoản: Ông Thị Tím, phòng giao dịch Cầu Ngang, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Vì gia đình bà Nhanh không có điện thoại, để biết thêm về hoàn cảnh gia đình bà Nhanh, vui lòng liên hệ chị Lê Thị Thanh Duy (hàng xóm), số điện thoại: 01695914900. Xin chân thành cảm ơn!