- sửa chữa cầu Long Biên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT:
- Xin ông cho biết, trước khi Bộ GTVT đưa ra 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên (tuyến đường sắt đô thị số 1), đã có những phương án nào được đưa ra nghiên cứu, lấy ý kiến?
Trước hết, phải khẳng định đây là tuyến huyết mạch của giao thông đô thị Hà Nội, song lại trùng với tuyến đường sắt quốc gia.
Thứ trưởng Đông: “Nếu xét tổng thể tất các phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên, chúng tôi kiến nghị tách làm một cầu mới riêng, còn cầu cũ duy trì nghiên cứu, phục chế bảo tồn” Và trong quy hoạch từ năm 1998 cũng đã xác định như vậy.
Trước khi Bộ GTVT đưa ra 3 phương án, cũng đã từng có những quan điểm như xây cầu trùng vào cầu Long Biên, tuy nhiên cũng có quan điểm giữ lại để bảo tồn.
Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu phương án tránh cầu cũ cách xa 30m, 50m, 186m... và đã được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, sau đó có nhiều ý kiến khác nhau như 'cầu mới ảnh hưởng không gian kiến trúc cầu cũ', nên Hà Nội có đề nghị nghiên cứu tiếp và Bộ GTVT nghiên cứu và đưa ra 3 phương án mới đây.
- Ông có thể cho biết quan điểm của Bộ GTVT sẽ nghiên về phương án nào sau khi đưa ra các phương án và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia?
Video: Kinh ngạc với vẻ đẹp cầu Long Biên nhìn từ "máy bay"
Chúng tôi tôn trọng ý kiến các nhà lịch sử văn hóa, vì cầu Long Biên đi vào hình ảnh của người dân thủ đô và cả nước nên phải bảo tồn. Chính vì vậy khi xây dựng các phương án chúng tôi cũng đều phải tính đến cách tôn tạo...
Tuy nhiên, nếu xét tổng thể tất cả các nghiên cứu trước và 3 phương án mới đây thì chúng tôi đề nghị áp dụng phương án trước kia đã được nhất trí, đó là làm cầu mới cách xa cầu cũ 35m.
Phương án này sẽ giúp cầu cũ được bảo tồn nguyên vẹn song vẫn có quan điểm là sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc của cầu.
Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị như vậy, song Hà Nội lại e ngại và đề nghị nghiên cứu tiếp việc xây cầu mới đi trùng tim cầu cũ.
Nếu trong trường hợp không nhất trí các phương án xây cầu mới mà chỉ đi trùng tim cầu cũ thì chúng tôi kiến nghị xây dựng cầu mới theo mô phỏng cũ. Tức là thiên về phương án 2.
Nhưng nếu tổng thể tất các phương án thì chúng tôi vẫn kiến nghị tách làm một cầu mới riêng còn cầu cũ duy trì nghiên cứu, phục chế bảo tồn.
- Nếu Hà Nội không đồng thuận với việc xây cầu mới thì Bộ GTVT sẽ giải quyết như thế nào?
Trước hết, giao thông cần thiết cho phát triển, thành phố có dân số quá đông nên chắc chắn phải xây dựng đường sắt đô thị.
Một dự án bao giờ cũng có ảnh hưởng, có tác động này, tác động kia nên ta phải tìm phương án nào tích cực nhất.Bộ GTVT nghiêng về phương án làm cầu mới bên cạnh cầu Long Biên. Dự án này đã cấp bách từ nhiều năm, người dân đi lại bằng đường bộ gây quá tải cho cầu Chương Dương. Phía Nhật Bản cũng đã đồng ý hỗ trợ khoản vay cho dự án và yêu cầu xác định vị trí để thực hiện.
- Vậy vai trò của Nhật Bản trong dự án này như thế nào?
Nên đọc
Phía Nhật Bản cũng rất chú trọng việc bảo tồn và tư vấn Nhật nói rõ, nếu làm cầu gần thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kiến trúc, thế nên phải chọn kiến trúc thế nào ít ảnh hưởng hơn.
Thậm chí, khi phía Việt Nam yêu cầu tư vấn Nhật nghiên cứu làm cầu mới xa cầu cũ 186m thì họ cũng đã nghiên cứu và đưa ra phương án...
Thực tế, Nhật Bản đã yêu cầu Bộ GTVT và Hà Nội cần phải nghiên cứu và xác định nhanh phương án, vì họ không thể chờ mãi chuyện giải ngân vốn quá lâu, trong khi phía Việt Nam lại quá chậm.
Để không chậm trễ, chúng tôi đang kiến nghị triển khai một số hạng mục trước của dự án tại khu vực Ngọc Hồi và từ Ga Hà Nội xuống.
- Xin cám ơn ông!
Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.
Với phương án này, cầu Long Biên cũ sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng. Cầu sẽ được gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ 2 bên cầu phục vụ cho nhu cầu du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ những nét cổ kính xưa của cầu Long Biên - Hà Nội.
Cầu đường sắt vượt sông Hồng mới khi đó sẽ bao gồm cả đường sắt và đường bộ gồm đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ô tô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ
Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902.
Cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi, được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ôtô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà).
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
9 nhịp cầu còn nguyên bản từ phía Hà Nội sẽ được bảo tồn mang tính nguyên bản. Các nhịp cầu mới đầu phía Gia Lâm sẽ đi trùng tim cầu hiện tại do các nhịp cầu phía này đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên không có khả năng bảo tồn.
Chi phí xây dựng của 3 phương án lần lượt là 7.982 tỷ đồng, 9.094 tỷ đồng và 9.389 tỷ đồng.
Vũ Điệp