Tin mới

Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên: Rất nhân văn, cần làm ngay

Thứ hai, 24/10/2022, 15:07 (GMT+7)

Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên là cách làm nhân văn và cần thực hiện ngay nhằm tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.

Đó là quan điểm của Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Tp.HCM.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên (trường chuyên). Điểm đáng lưu ý trong dự thảo là quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.

PV Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Tp.HCM về vấn đề này.

PV: Quan điểm của ông thế nào trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên?

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú: Trước hết, cá nhân tôi đồng tình quan điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo là hiện nay cần bỏ không chuyên trong trường chuyên. Đó là một đề xuất rất hay và nhân văn. Tôi nghĩ cần thực hiện ngay. Theo tôi việc các trường chuyên mở lớp thường (lớp không chuyên), là điều nghịch lý nhiều năm rồi.

Trước tiên, mình phải định nghĩa thế nào là trường chuyên. Theo tôi, trường chuyên là nơi đào tạo bồi dưỡng nhân tài, có năng khiếu thiên phú bẩm sinh về các môn văn hóa, thậm chí các môn thể dục thế thao, nghệ thuật…

Như vậy trường chuyên có đặc thù riêng biệt, được sự đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Vậy thì, những con người thụ hưởng nguồn ngân sách đó, bao gồm cả giáo viên và học sinh trường chuyên cần phải sử dụng đúng. 

Lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ có nhiều bất cập. Ảnh minh họa.
Lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ có nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

PV: Theo ông trong công tác tuyển sinh học sinh vào trường chuyên, hiện nay đã đúng chức năng của trường chuyên chưa?

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú: Tôi thấy, nhiều địa phương ưu tiên tuyển sinh tất cả học sinh vào trường chuyên (gồm có học sinh chuyên và không chuyên) thì không đúng chức năng của nó. Theo tôi, trường chuyên mà có lớp thường sẽ nhiều bất cập.

Vì ngân sách nhà nước rót vào trường chuyên là để đào tạo người tài phục vụ cho đất nước. Còn hiện nay ngân sách đó dùng ra sao, rót vào trường chuyên thì ai dùng, thầy cô dạy thế nào, những thầy cô dạy trong trường chuyên mà dạy lớp thường có hưởng chế độ cho giáo viên trường chuyên hay không? Điều đó chỉ có trong trường chuyên mới biết, chứ ở ngoài sao biết. Nhưng rõ ràng, theo tôi, sử dụng ngân sách nhà nước cần phải đúng, nếu không là làm lãng phí ngân sách của nhà nước…

PV: Theo ông, các trường chuyên hiện nay đã làm tốt vai trò của mình hay chưa?

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú: Tôi nhận thấy, lâu nay thành lập trường chuyên chúng ta không có kế hoạch, chiến lược, quy hoạch những em này như thế nào trong thời gian tiếp theo. Vì trường chuyên, theo tôi biết hiện nay, các trường chuyên được nhà nước tài trợ hết, không đóng học phí. Và như vậy, nguồn ngân sách nhà nước tài trợ cho một em học sinh suốt 3 năm học ở trung học phổ thông là rất lớn.

Tuy nhiên, sau khi các em vào đại học rồi ra trường, nói về vấn đề phụng sự Tổ quốc, các em có một cam kết nào không, ngành giáo dục địa phương đó có thống kê rằng đã có bao nhiêu em đi du học, bao nhiêu em trở về, bao nhiêu em làm cho nhà nước, bao nhiêu em làm cho tư nhân, bao nhiêu em trường chuyên đạt giải quốc tế quốc gia, hiệu quả sau khi các em được đầu tư học trường chuyên thế nào? Tôi nghĩ rằng, với sự đầu tư lớn của nhà nước cho trường chuyên, cần phải sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả.

Một vấn đề nữa, chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề bộ máy quản lý trường chuyên. Con người quản lý trường chuyên phải là người dám nghĩ dám làm, có một sức đột phá. Trường chuyên không những là cấp tỉnh, nó là trường có sức ảnh hưởng cả một tỉnh thành.

Tôi lấy ví dụ, Trường Lê Hồng Phong, là trường chuyên nằm ở Tp.HCM nhưng tầm của nó là ảnh hưởng cả khu vực phía Nam, thì chúng ta cần đội ngũ cán bộ lãnh đạo xứng tầm khu vực phía Nam. Chứ không phải đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ trọn vẹn nằm trong Trường chuyên Lê Hồng Phong.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ quan điểm của mình với Người Đưa Tin.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ quan điểm của mình với Người Đưa Tin.

Vấn đề xây dựng lớp chuyên trong trường thường, là không nằm trong luật giáo dục, rồi ngân sách rót ra sao, mình làm không ổn là đã hao tổn ngân sách nhà nước, và hiệu quả không là bao. Tôi lấy ví dụ, cụ thể năm 2022, Tp.HCM thành lập đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia, Trường Nguyễn Hữu Huân, Trường Nguyễn Thượng Hiền, Trường Mạc Đĩnh Chi… là những trường có lớp chuyên, nhưng không một em học sinh nào nằm trong đội tuyển, điều này cho thấy quá trình đào tạo bồi dưỡng không đạt chuẩn.

Như vậy chúng ta đặt vấn đề có nên tồn tại lớp không chuyên trong trường thường hay không, khi nhà nước dùng một nguồn ngân sách khủng để đầu tư nhưng chúng ta không tìm được một hạt giống để đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia? Rõ ràng, điều này đang gây lãng phí ngân sách, không nằm trong Luật Giáo dục thì ta phải bỏ, dứt khoát phải bỏ.

Hơn nữa, có tình trạng lấy học sinh trường chuyên mà đi thi học sinh giỏi, đi thi nghiên cứu khoa học với học sinh trường thường, điều này rất khập khiễng. Vì ngay đầu vào tuyển sinh là anh đã chọn hết "gà chiến" trong đó rồi, nếu đưa đi thi nữa thì chỉ làm nền cho các em trường chuyên đậu thôi.

Tại sao thành lập lớp chuyên trong trường thường mà không gom lớp chuyên trường thường về trường chuyên, trả lớp thường trường chuyên về trường thường để trường chuyên là trường chuyên, trường thường là trường thường?

Chúng ta còn tình trạng chồng chéo như thế, vậy thì mục đích là gì đây? Tại sao không quy về một nơi đúng chức danh, danh vị trường chuyên? Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu không dẹp bỏ các tình trạng nêu trên thì có thể gọi đó là một hiện tượng tham nhũng Chính sách.

Học sinh chuyên có năng khiếu đặc thù riêng. Ảnh minh họa.
Học sinh chuyên có năng khiếu đặc thù riêng. Ảnh minh họa.

PV: Theo ông, khâu tuyển sinh vào trường chuyên cần như thế nào để chọn đúng nhân tài?

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú: Tôi nghĩ rằng, hiện để trường chuyên hoạt động đúng bản chất của nó, mình cần xây dựng trường chuyên đúng chuẩn, tức là phải tuyển học sinh năng khiếu mà không được tuyển nhiều lần.

Chẳng hạn, hiện nay, tại Tp.HCM đang tuyển 2 lần một năm. Mình chỉ cần tuyển sinh mỗi năm 1 lần. Sau khi tuyển xong, mình cấp học bổng, nguồn ngân sách đào tạo cho học sinh đó, làm sao sau khi được tuyển chọn, học sinh đó phải có cam kết đàng hoàng với trường, để sau khi học xong đại học, các em có cam kết phụng sự Tổ quốc.

Hiện, đào tạo nhân lực, phụng sự nhân tài là mục tiêu đào tạo của Đảng thì ta phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chính xác nghĩa là, chọn người thụ hưởng phải đúng, sau đó họ cống hiến cho đất nước phải đúng mục đích.

PV: Theo ông, ngành giáo dục cần làm thế nào để tuyển chọn đúng người tài vào trường chuyên?

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú: Tôi cho rằng, việc này cần phải có lộ trình theo dõi, giám sát để nguồn ngân sách đầu tư cho một con người phải có kết quả. Kết quả đó là sự phụng sự của những em đó cho Tổ quốc đạt hiệu quả cao nhất.

Đề thi tuyển chọn vào trường chuyên phải ở tầm cao hơn trường thường, làm sao mà học sinh phải có sự đầu tư, thể hiện sự nổi bật năng khiếu bẩm sinh của của học sinh đó.

Hiện nay, tôi thấy cách thức tuyển chọn vào các trường chuyên là ra đề thi khó để vào trường chuyên là không đúng. Còn vấn đề nữa, là hiện nay học sinh đi luyện thi để vào trường chuyên là lạ lùng. Đề thi vào trường chuyên không phải ra khó mà phải khơi dậy tư duy bẩm sinh để học sinh đó phát triển.

Chẳng hạn, thi vào nghệ thuật, muốn phát hiện một em hát hay thì phải cho em đó hát… Tôi thấy, chọn nhân tài cần phải tuyển chọn chặt chẽ, chính xác. Và tôi khẳng định, với đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, ngành giáo dục cần làm ngay nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news