Tin mới

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo kilogram

Thứ sáu, 12/06/2020, 09:44 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Trần Hồng Hà đã đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối, theo kg, tức là thải ra nhiều thì phải chịu nhiều tiền hơn.

Theo Thanh Niên Nhân Dân, sáng ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà dành khá nhiều thời gian để giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường vừa trình Quốc hội tại kỳ họp 9 lần này.

>>> Xem thêm: Rác thải ùn ứ, bốc mùi hôi thối nhiều tuyến phố Hà Nội: Vẫn chưa có biện pháp xử lý

Theo ông Hà, liên quan tới chất thải sinh hoạt, nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, 40% là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, trong luật trình Quốc hội lần này đã quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Thanh Niên

Bộ trưởng đề ra hai yếu tố để tận dụng dạng tài nguyên này triệt để nhất. Đầu tiên là phân loại rác từ đầu nguồn và xử lý rác không chôn lấp. Điều này đồng nghĩa với việc các khâu từ phân loại, thu gom rác cho đến khâu xử lý cuối cùng đều phải được làm đồng bộ.

Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng khẳng định sẽ hướng tới công nghệ xử lý không chôn lấp gồm hai phần: một là biến thành điện năng thông qua đốt, hai là biến thành sinh khối để sau này biến thành khí để đốt.

Những loại rác thải rắn có thể được phân loại và biến thành điện năng. Ảnh: Internet

“Như vậy, 100% là không chôn lấp, trong đó tái chế, tái sử dụng được là khoảng 40%, còn đâu sử dụng theo hình thức đốt thành sinh khối, đốt biến thành điện năng là đang hướng tới’ - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

>>> Xem thêm: Tìm ra công nghệ chế biến rác thải nhựa thành mỹ phẩm

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, dự thảo luật cũng xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, ông Hà nói.

Đề xuất thu rác thải sinh hoạt của Bộ trưởng muốn đánh vào trách nhiệm với môi trường của người dân, tức là thải ra càng nhiều thì phải chịu nhiều tiền hơn. Ảnh: Internet

Về cách tính tiền, theo Bộ trưởng thì người dân chịu một phần, còn tất nhiên, Nhà nước sẽ chi trả phần chính đối với rác thải sinh hoạt.

“Khi nào đời sống người dân tăng lên chúng ta sẽ điều chỉnh dần dần là người dân sẽ trả cả. Bây giờ chúng tôi tập trung là doanh nghiệp trả 100%. Còn người dân sẽ theo lộ trình, có kinh phí hỗ trợ cho người dân” - Bộ trưởng nói.

>>> Xem thêm: Rác thải khu cách ly Trúc Bạch được xử lý như thế nào?

Cũng theo dự thảo luật trình Quốc hội, bộ trưởng đề chất thải rắn từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 4 loại gồm: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Quy trình phân loại rác được UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất hồi cuối năm 2018. Ảnh: TTXVN

Mỗi hộ gia đình hay cá nhân đều phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt nếu có phát sinh. Đồng thời, hộ gia đình hay cá nhân đều có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải, và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news