Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia "chia lửa" với Thượng tướng Tô Lâm còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và nhiều trưởng ngành, Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ có hơn 2 giờ (14 giờ đến 16 giờ 35 phút) để trả lời chất vấn về vấn đề tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy....
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực UB về các vấn đề xã hội) hỏi: Cử tri bức xúc trước nhiều vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan công an thời gian qua. Vụ Vũ "nhôm" là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi.
Sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ "nhôm" hay không và Bộ đã có giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ "nhôm" thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông tin, vụ Vũ "nhôm" liên quan tới 5 vụ án đã khởi tố điều tra và đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; đã xử liên quan một số tướng lĩnh công an, cụ thể là 2 tướng công an đã xử lý trước pháp luật và xử lý một số người nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm việc này.
Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, xử lý nghiệp vụ có liên quan để lợi dụng hình thành tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi để có những hoạt động vi phạm pháp luật.
Đây là bài học rất đắt giá của lực lượng công an và chắc chắn sẽ không còn tình trạng đối tượng, tổ chức, người lợi dụng tổ chức để có hoạt động tội phạm như vậy. Giải pháp chính là không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ "nhôm" xảy ra trong nội bộ ngành công an. Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh việc này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: Kỳ thi THPT 2018 đã xảy ra gian lận nghiêm trọng. Theo ông đây là loại tội phạm gì, có mới không, năm trước có không, Bộ Công an có bất ngờ không và cần làm gì để đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong kỳ thi tới?
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, chúng tôi phối hợp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Đây là những người thi hành công vụ, tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm trong hoạt động thi cử nên đây là hoạt động lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đây là thủ đoạn, hoạt động mới, rất tinh vi đã được phát hiện năm 2018. Đối với kỳ thi trước cũng có gian lận và Bộ Công an cùng Bộ GD-ĐT tìm, đưa phương án tránh gian lận trong kỳ thi.
Với chúng tôi, loại tội phạm này không phải mới nhưng gian lận thì nhiều thủ đoạn. Việc này không phải bắt đầu mới có từ năm 2018 mà có thể năm trước đã có tình trạng gian lận trong thi cử.
Điển hình khi khảo sát các cháu đỗ đại học rất điểm cao, nhưng khi vào các trường đại học, học với yêu cầu cao thì nhiều cháu không theo được. Nhưng vì điểm chấm, bài chấm là quy định nên việc thay đổi kết quả đó cần có kiểm tra, đánh giá.
Để phòng, chống, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần quy trình quản lý từ khâu ra đề, tổ chức, chấm thi, tuyển sinh phải khép kín, tránh sơ hở bị lợi dụng. Bộ Công an sẽ có kiểm tra, giám sát những tổ chức tội phạm liên quan đến việc thi cử, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Vừa qua thế lực thù địch lợi dụng một số sự kiện như sự cố môi trường Formosa, dự án luật về đặc khu để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn chiếm trụ sở cơ quan công quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh. Nhân dân rất bất bình và lên án hành vi trên. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn, trừng trị để không để xảy ra vụ việc tương tự?
Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Liên quan vụ việc vừa qua thì phát hiện nhiều đối tượng hình sự được thuê mướn tham gia biểu tình, với số tiền từ 200.000- 400.000 đồng/người. Đối tượng có hành vi liều lĩnh, khủng bố, phá hoại. Điều đó tạo hình ảnh không tốt và gây bức xúc trong nhân dân.
Cấp có thẩm quyền cũng đã có chỉ đạo và thực hiện giải pháp tổng thể. Lực lượng công an tiếp tục nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu của thế lực thù địch; triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không để bị kích động. Cùng với đó là tấn công truy quét đối tượng hình sự ngay ở địa bàn để các đối tượng không thể lợi dụng tham gia gây rối.
Đức Hoà (tổng hợp)