Tin mới

Bộ Y tế đề xuất: Hiến máu là bắt buộc, 1 lần/năm

Thứ hai, 09/01/2017, 10:22 (GMT+7)

Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần.

Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp thăm hỏi, động viên các bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo tại ngày hội "Chủ nhật đỏ". Ảnh: Tuổi trẻ

Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu: 

- Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Theo Bộ Y tế khẳng định cả 2 giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sự dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng Chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).

Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định.

Nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng. Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ.

Thế nhưng, theo nghiên cứu của cơ quan đề xuất dự án luật, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng dần 28 triệu. Việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2.

Từ những phân tích trên, Bộ Y tế cho rằng nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, việc lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo còn nhiều bàn luận khi nhiều phương án lựa chọn liên quan đến chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và góc nhìn của nhà làm luật cũng như các đơn vị quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, do nội dung của các chính sách được xác định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội.

Trong một diễn biến liên quan, tại Ngày hội hiến máu nhân đạo - “Chủ nhật đỏ” sáng 8/1 ở Trường ĐHQG Hà Nội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam được phát động từ năm 1994 và từ đó đến nay đã có những bước tiến vượt bậc. Từ 14,5% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện vào năm 1994, đến nay cả nước đã đạt được 98%.

Chỉ tính trong năm 2016 vừa qua, cả nước tiếp nhận gần 1,2 triệu đơn vị máu, tỷ lệ dân số hiến máu đạt xấp xỉ 1,5%. Lượng máu trên đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương.

Đáng mừng là năm 2016 vừa qua chưa một ngày nào các bệnh viện thiếu máu điều trị. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, để đảm bảo an toàn truyền máu cần tối thiểu tỷ lệ 2% dân số hiến máu, như vậy ở nước ta cần có 2 triệu đơn vị máu trong năm.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news