Theo tin tức trên Công lý, Báo Giao thông, để hỗ trợ thành phố Hà Nội giải quyết ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do sự cố đêm ngày 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường xây dựng “Kế hoạch hành động hỗ trợ khắc phục sự cố ô nhiễm nước sạch Sông Đà cho người dân thành phố Hà Nội”.
Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài, nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ảnh: TTT
Cụ thể, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức 3 đoàn xét nghiệm lưu động, trực tiếp làm việc tại các điểm nóng ô nhiễm nước, tập trung tại 6 quận huyện: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì. Thời gian bắt đầu từ ngày 10/10 cho đến khi giải quyết xong sự cố.
Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) cho biết, sau khi cô lập suối Trầm và hồ Đầm Bài, các chuyên gia của đơn vị này đã huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng triển khai hoạt động xử lý ô nhiễm từ trưa ngày 17/10, làm việc xuyên đêm 17 và đang tiếp tục. Ảnh: TP
Trước mắt, đơn vị sẽ ưu tiên tập trung lấy mẫu, test nhanh và tư vấn trực tiếp tại các chung cư, bệnh viện, trường học. Mẫu nước được lấy trực tiếp tại các bể chứa, bể phân phối, điểm vòi sử dụng (chưa qua máy lọc), điểm vòi sử dụng (qua máy lọc).
Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã tạm dừng cấp nước trong hai ngày 15 và 16/10 để xử lý bước đầu, và vừa cung cấp nước trở lại cho khu vực tây nam Hà Nội vào tối 16/10, tuy nhiên vẫn yêu cầu người dân không sử dụng để ăn uống... Ảnh: FB
Đặc biệt Viện sẽ phối hợp với các đơn vị, công ty tài trợ miễn phí cho người dân nước uống trực tiếp, hỗ trợ các giải pháp xử lý nguồn nước tập trung.
Trong một diễn biến liên quan đến việc xử lý nguồn nước, đại diện chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều phương án bảo vệ, đã thực hiện cắm mốc quanh hồ.
Trước mắt sẽ xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm. Về lâu dài, tỉnh sẽ quản lý, kiểm soát nước hồ bằng cách lắp đường ống kín từ sông Đà về nhà máy. Bên cạnh đó, xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp kịp thời kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo đến các cơ quan chức năng của địa phương, Trung ương.