Một lọ thuốc giá 2.000 đồng, đem pha với 1 lít nước lã có thể giấm được khoảng 10kg cà chua. Khi vô tình để rớt một giọt thuốc nhỏ vào tay gây ngứa rát, da tay tấy đỏ như ong đốt...
Nhận được thắc mắc của nhiều bạn đọc về hiện tượng cà chua mua về ban đầu thấy rất tươi, nhưng chỉ sau 2 - 3 ngày quả bị biến chất, bốc mùi không dùng được, chúng tôi đã vào cuộc điều tra, phát hiện nông dân một số vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội vẫn lén dùng hóa chất cấm giấm cà chua.
Chỉ sau 3 - 4 ngày phun thuốc, ruộng cà chua sẽ chín đều |
“Công nghệ” giấm cà chua siêu tốc
“Năm nay mưa nhiều quá khiến mấy bà vợ ở nhà thất nghiệp. Cũng tầm này mọi năm, xin đi phun thuốc thuê mỗi ngày cũng kiếm ăn được”. Anh Luận, một lái xe ôm quê xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội trong câu chuyện phiếm với chúng tôi đã không ngại nói về “nghề” phun thuốc giấm cà. Theo anh Luận, khi thuê người phun thuốc, các chủ vườn thường khoán trắng theo diện tích vườn. Người làm thuê tính toán chi phí, lấy tiền trước rồi tự mình mua thuốc, pha chế và phun. “Năm nay mưa nhiều, cà chua tự chín nên việc cũng ít. Ông muốn tìm hiểu thì đi tìm mấy ruộng cà chua ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai mà xem. Chắc vẫn có người phun đấy”, anh Luận nói.
Quan sát trên lọ thuốc, chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy bất cứ thông tin nào về xuất xứ, liều dùng, hạn sử dụng… ngoài những dòng chữ tiếng Trung Quốc in cẩu thả trên loại chất liệu rẻ tiền.
Theo chỉ dẫn của anh Luận, chúng tôi tạt qua một số vùng rau lớn ven đô như Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai... Tại cánh đồng trồng rau ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức), chúng tôi gặp một phụ nữ đang pha thuốc phun vào ruộng cà chua. Thấy có người lạ, chị này vội vơ lấy đống vỏ thuốc vương vãi trên bờ ruộng cất vào túi. Chờ sau khi chị này phun thuốc xong, chúng tôi tìm cách tiếp cận với cái mác “người mới trồng cà chua, đi học hỏi kinh nghiệm giấm cà”. Sau một hồi lâu dò xét, thấy có vẻ tin tưởng, chị này mới bật mí: “Cà chua để tự nhiên rất khó chín đều. Muốn cà chín đều, đẹp cũng không khó. Chọn thời điểm cây cà chua bắt đầu héo lá, quả to đều, lác đác thấy có quả chín thì phải phun thuốc ngay. Mua loại này mà phun, rẻ mà nhanh”. Nói đoạn, chị móc trong túi ra một lọ hóa chất nhỏ bằng ngón tay in đầy các dòng chữ tiếng Trung Quốc đưa cho chúng tôi xem. “Ra mấy hiệu bán thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua thuốc giấm cà là họ hiểu. Nhưng phải hỏi khéo, vì đây là thuốc cấm nên không phải ai họ cũng bán đâu. Tôi vẫn mua loại thuốc này ở chợ Giếng Đồng, phường Dương Nội, quận Hà Đông”.
Trao đổi với một vài nông dân khác, chúng tôi được giới thiệu, loại hóa chất lạ mà người trồng cà chua vẫn dùng để giấm quả xanh có tác dụng “siêu tốc”. Không chỉ kích thích chín nhanh, hóa chất lạ còn khiến cà chua chín đều, bóng vỏ, căng mọng… trông rất bắt mắt. Hỏi hóa chất này có độc không, tất cả người trồng cà đều trả lời “không biết” chữ Trung Quốc nên cũng không dám ăn loại cà giấm siêu tốc này.
Túi thuốc giấm cà chua PV mua được tại khu chợ Giếng Đồng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội |
“Khách quen” dễ mua
Chúng tôi tìm đến một đại lý thuốc bảo vệ thực vật tại khu chợ Giếng Đồng (tổ dân phố Hoàng Văn Thụ, phường Dương Nội, quận Hà Đông) hỏi mua thuốc giấm cà chua. Đứng quầy là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, thấy khách lạ đã chối đây đẩy: “Làm gì có thuốc nào giấm được cà chua. Ai bảo chú ở đây bán?”. Phải thuyết phục một lúc người bán mới tạm tin chúng tôi là khách quen, đồng ý giao dịch.
Khoảng 3 phút sau khi vào kho, người bán mang ra một túi nilon màu đen, bên trong đựng thuốc giấm cà chua chia thành các lọ nhỏ. Chúng tôi mua một bịch thuốc với giá 20.000 đồng, tính ra mỗi lọ hóa chất nhỏ giá 2.000 đồng. Chủ quán dặn dò: “Mỗi lọ nhỏ hòa với 1-2 lít nước. Có thể phun trực tiếp lên cây hoặc để trong chậu rồi nhúng cà chua vào. Để khoảng 2-3 ngày là cà chua chín đều”.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu vực chợ Giếng Đồng có khoảng 3 - 4 nơi bán loại thuốc giấm cà chua này. Giải thích đây là hóa chất cấm, không thể bày bán công khai như các loại thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép khác, đại lý phải cất trong kho hoặc giấu nơi kín đáo, gặp “khách quen” mới lấy ra bán. Một chủ cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở chợ cho hay, loại thuốc giấm cà chua này được nhập lậu từ các chợ biên giới Trung Quốc. Ngoài cà chua, thuốc này có thể dùng cho rất nhiều loại hoa quả khác như: Chuối, đu đủ, xoài, cam…