Tin mới

Cả nhà đại gia gom nghìn tỷ “biến mất” khỏi nhóm “siêu giàu”

Thứ năm, 02/04/2015, 14:28 (GMT+7)

Trước khi Minh Phú hủy niêm yết, việc tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu trong nửa cuối tháng 3 vừa qua đã giúp gia đình ông Quang thu về hơn 1.000 tỷ trước khi “biến mất” khỏi sàn chứng khoán Việt.

Trước khi Minh Phú hủy niêm yết, việc tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu trong nửa cuối tháng 3 vừa qua đã giúp gia đình ông Quang thu về hơn 1.000 tỷ trước khi “biến mất” khỏi sàn chứng khoán Việt.

Với việc tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu Minh Phú, trong nửa cuối tháng 3 vừa qua, gia đình nhà ông Quang đã gom về hơn 1.463 tỷ đồng trong khối tài sản trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang - Chu Thị Bình chính thức hủy niêm yết kể từ ngày 31/3/2015. Đồng nghĩa với việc 3 đại gia trong Top 100 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt “biến mất”.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú của gia đình "Vua tôm" thu về hàng nghìn tỷ đồng trước khi hủy niêm yết trên sàn chứng khoán

Trước khi hủy niêm yết, MPC đã có nhiều phiên tăng liên tục với mức tăng kịch trần bất chấp sự tăng, giảm của thị trường chứng khoán trong nước.

Theo đó, trong 8 phiên gần nhất trước khi “biến mất” khỏi thị trường chứng khoán, MPC có 4 phiên tăng điểm mạnh và 4 phiên tăng kịch trần.

Sau khi giảm 6,8% trong phiên ngày 18/3, MPC đã tăng kịch trần lên mốc 87.500 đồng/cổ phiếu. Tiếp sau đó là những mốc tăng đáng ngưỡng mộ.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/3, MPC đứng ở mức 122.000 đồng/cổ phiếu, tăng thêm 40.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 12 ngày.

So với mức chào sàn là 72.000 đồng/cổ phiếu, sau hơn 7 năm chào sàn tại Sở giao dịch chứng khoán T.p HCM, MPC đã tăng được thêm 50.000 đồng/cổ phiếu.

Minh Phú là tập đoàn thủy sản gia đình do vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang - Chu Thị Bình thành lập.

Năm 2006, Minh Phú lên sàn chứng khoán niêm yết nhằm mở mang, huy động vốn để đầu tư.

Minh Phú có vốn điều lệ 700 tỷ đồng và là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất niêm yết trên sàn.

Một cánh tay đắc lực hỗ trợ ông Quang – bà Bình trong việc kinh doanh của Minh Phú chính là cô con gái cả của ông bà: Lê Thị Dịu Minh.

Dịu Minh hiện tại là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu Phát triển, kiêm Giám đốc Bộ phận chiến lược Nghiên cứu và Phát triển.

“Vua tôm” Lê Văn Quang

Doanh nhân Lê Văn Quang hiện là CTHĐQT của MPC. Trong ngành chế biến thủy sản, ông Quang được ưu ái gọi với cái tên “vua tôm”.

Hiện tại, trong danh sách Top 100 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014, ông Quang đang đứng ở vị trí thứ 12.

Bởi lẽ, doanh nghiệp của ông là doanh nghiệp hàng đầu về chế biến tôm xuất khẩu.

Tại lễ công bố và vinh danh Bảng xếp hạng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014” diễn ra hồi đầu tháng 1/2015, ông Quang vinh dự được nhận giải thưởng nhà lãnh đạo xuất sắc nhất.

"Vua tôm" Lê Văn Quang

Nhìn vào những kết quả hiện nay, ít người biết rằng 20 năm trước đó, ông Quang chỉ là một kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản và chuyển ra làm đại lý thu mua tôm cho một DN tư nhân. Năm 1992, ông Quang thành lập Xí nghiệp Cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú với số vốn khiêm tốn.Theo tạp chí thủy sản nổi tiếng thế giới Undercurrentnews, năm 2014 Minh Phú xếp thứ 23 trong số 100 DN thủy sản lớn nhất thế giới, còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp MPC nằm trong danh sách 20 DN Đông Á là công ty phát triển toàn cầu.

Cái duyên đối với ngành thủy sản gắn với ông Quang ngay từ những ngày đầu lập nghiệp. Vốn là kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản làm trong một doanh nghiệp nhà nước, ông Quang có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, chế biến và kinh doanh, thu mua, bán tôm trên thị trường bi bước ra ngoài khởi nghiệp.

 

Con đường hốt bạc tỷ của gia đình ông Quang có lẽ bắt đầu từ sự bứt phá của ngành thủy sản trong thời kỳ đổi mới. Thị trường rộng mở cùng với tư duy phải tạo giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp Minh Phú đã không ngừng phát triển trái ngược với sự lụi tàn của nhiều DN cùng ngành.

 

Quyết định lên sàn chứng khoán năm 2006 đã giúp MPC huy động vốn trở thành DN ngành tôm lớn nhất cả nước về quy mô và qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu, vươn lên đầu ngành về giá trị bán tôm ra thế giới. Cũng kể từ đó, MPC duy trì vị thế dẫn đầu của mình với Doanh thu không ngừng tăng trưởng mạnh.

Chu Thị Bình – “Bà trùm” chứng khoán đầu tiên

Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, bà Bình không thi ĐH mà cùng cậu vào Nam lập nghiệp. Sau khi kết duyên cũng ông Quang, 2 vợ chồng bà đã cùng nhau tạo dựng sự nghiệp.

Ban đầu chỉ với nguồn vốn 120 triệu đồng, doanh nghiệp tư nhân Minh Phú ra đời với sự trợ giúp của bạn bè.

Bà bắt đầu từ công việc của một công nhân thu mua tôm và cùng chồng tạo dựng cơ ngơi.

Sau đó, quy mô hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mở rộng, vợ chồng bà xây dựng Nhà máy xuất khẩu thủy sản Minh Phú.

Năm 2006, Minh Phú lên sàn chứng khoán niêm yết cũng là năm mà tên tuổi của bà được giới đầu tư và truyền thông biết đến. Bà Bình chính là người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán trong năm 2006.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính các nữ doanh nhân trên sàn chứng khoán thì bà Bình lại là người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Bà chính là “bà trùm” chứng khoán đầu tiên tại thời điểm đó.

Thế nhưng, thị trường chứng khoán những năm sau có nhiều biến động khiến ngôi vị của bà trở nên bấp bênh.

Năm 2007, giá trị cổ phiếu MPC mà bà Bình nắm giữ sụt giảm khiến bà bị đánh bật ra khỏi Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Kể từ đó, tên tuổi của bà dần đi vào lãng quên và vị trí nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán một thời của bà cũng không mấy ai nhớ đến.

Chỉ đến tháng 8/2014, khi cổ phiếu MPC tăng phi mã thì bà Bình mới nhận được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán.

Trong năm 2014 vừa qua, bà Bình có thêm 1.457 tỷ đồng nhờ sự tăng giá của cổ phiếu MPC. Bà Bình cũng là người kiếm được nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2014.

Bà Bình “chiếm giữ” vị trí số 9 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014 với số tài sản gần 1.800 tỷ đồng.

Lê Thị Dịu Minh – Ái nữ nghìn tỷ

Minh là cô con gái cả của ông Quang – bà Bình. Trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014, bà Dịu Minh đang đứng ở vị trí thứ 38.

Cá nhân Dịu Minh nắm giữ 3,16 triệu cổ phiếu MPC. Tính theo giá hiện hành, giá trị cổ phiếu cô nắm giữ đạt 330 tỷ đồng.

Với số lượng cổ phiếu trên, ái nữ của ông Lê Văn Quang dẫn đầu top 5 triệu phú có tài sản gia tăng nhanh nhất trong năm 2014.

Theo nhận xét của một số lãnh đạo MPC, Dịu Minh có năng lực, ham học hỏi, giúp được không ít việc cho cha cô cũng như cả tập đoàn.

Tuy nhiên, Dịu Minh có tiếp quản công việc của cha cô hay không, hiện khó có thể trả lời, bởi cô đã lập gia đình. Nhà chồng bà Minh cũng có công ty rất lớn, hoạt động trong lĩnh vực khác ngành thủy sản.

Ước tính, số tài sản trên sàn chứng khoán của 3 vị đại gia này trên sàn chứng khoán tính đến hết năm 2014 là gần 4.000 tỷ đồng.

Khi Minh Phú hủy niêm yết, đồng nghĩa với việc 3 đại gia trong Top 100 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt “biến mất”.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news