(Tinmoi.vn) Việc Hà Nội bẻ cong đường né nhà tướng lĩnh được coi “là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời”. Nhưng các vị anh hùng vì đất nước mà chẳng tiếc sinh mạng, liệu có cần được trả ơn theo kiểu đó?
Việc con đường Trường Chinh (Hà Nội) bị chia thành 3 khúc hình thù như ghi đông xe đạp khiến nhiều người dân cảm thấy khó hiểu. Rồi sau đó là cảm giác ngậm ngùi khi có thông tin đoạn cong ở giữa của cái ghi đông xe đạp đó “chứa” rất nhiều nhà của những người nguyên là quan chức quân đội hoặc quan chức về hưu của Bộ GTVT, nhưng chủ yếu vẫn là các tướng lĩnh thuộc Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ). Trong số đó có Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng - Anh hùng phi công Phạm Tuân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Tiến Sâm, thuộc Quân chủng PKKQ sau là Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách hàng không; Thiếu tướng - Anh hùng quân đội Phạm Ngọc Lan (người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Việt Nam)…
Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, khi UBND TP Hà Nội có chủ trương mở rộng đường Trường Chinh, nhằm giữ ổn định đời sống cho tướng lĩnh, những người có đóng góp quan trọng nhất vào việc bảo vệ vùng trời của đất nước, Quân chủng PKKQ đề nghị thành phố lấy vào phần đất của quân chủng, hạn chế lấy đất của nhà tướng lĩnh, sỹ quan. Sau đó, vào năm 2007, Bộ Quốc phòng lại khẳng định điều này và thống nhất với UBND TP Hà Nội.
“Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời, chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức”, Thiếu tướng Lan nói và cho biết thêm, ông cùng các tướng lĩnh khác đang đứng ra bảo vệ cho nhiều sĩ quan cấp tá, là cấp dưới của họ, tuy cùng dãy nhà nhưng sắp bị giải tỏa (khu vực giải tỏa nằm trong đoạn vuốt nối để giảm độ gấp khúc). Có thể hiểu, mục đích của việc “đứng ra bảo vệ” này là để nhà của các sỹ quan cấp tá kia cũng không bị giải tỏa, vì họ có nhiều công lao và cần được ưu tiên.
Tính cách có thủy có chung, tinh thần trượng nghĩa có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu với những anh em đồng sự, chiến hữu của vị tướng rất đáng trọng, bởi không có nhiều người làm được như vậy. Là những người lính, trước đây họ cùng vào sinh ra tử, đồng cam cộng khổ nắm tay nhau vì một mục đích chung cực kỳ thiêng liêng: tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, việc bảo vệ nhau của họ khi đó cũng đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích chung của dân tộc.
Còn trong chuyện giải tỏa để làm đường Trường Chinh này, nếu cái việc bảo vệ đồng đội kia thành công, đoạn cong của con đường lại phình ra nữa. Phải chăng không nên đặt vấn đề bẻ cong đường né nhà quan này, như Thiếu tướng Lan từng nói, bởi các chủ nhà đều có công với nước? Quả thật, uống nước nhớ nguồn là đạo lý của người Việt, nhất là với những người từng xả thân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống Bình An cho nhân dân. Thật là khó xử khi việc đền ơn đáp nghĩa họ lại mâu thuẫn với việc thi công hiệu quả nhất một công trình ích quốc lợi dân, đó là mở đường. Muốn vẹn cả đôi đường, thật khó. Giữa những người nhiều công lao, xứng đáng được đãi ngộ đặc biệt ấy và cộng đồng, ai nên là kẻ chịu thiệt, chịu hy sinh đây?
Cũng nói chuyện làm đường, từ trước đến nay, luôn có những người dân sẵn sàng hiến cả nghìn mét đất để mở đường hoặc xây dựng các công trình công cộng, những công trình dân sinh, phúc lợi như nhà văn hóa, trường học… Trong đó có không ít người nghèo. Chẳng hạn như ông Hoàng Văn Anh, thôn Bản Cáp, xã Gia Miễn (Văn Lãng, Lạng Sơn), cho dù là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng nhưng vẫn hiến hơn 1.300 m2 đất vườn để xây trường mầm non. Bà lão Má Thị Tuyên ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vì chạy chữa cho chồng bị tai biến mạch máu mà thành hộ nghèo, nhưng không hề tính toán hiến 430 m2 đất mặt tiền đường liên thôn để xây nhà mẫu giáo và nhà văn hóa làng.
“Có gì đâu, mình bỏ ra một ít đất mà được việc cho bà con trong làng” - bà Tuyên nói nhẹ bẫng, cho dù “một ít đất” ấy có giá xấp xỉ 70 triệu đồng, con số rất lớn so với một hộ nghèo. Khi làm việc nghĩa, những người như bà không đòi hỏi được trả công ngay lúc ấy, chứ đừng nói là sau này. Vì thế, họ chẳng bao giờ làm cho chính quyền hay người dân – những người được lợi từ sự hy sinh của họ - phải khó xử. Cũng chẳng ai gọi họ là anh hùng, cho dù bản chất của hành động anh hùng là quên mình vì người khác.
Những quan chức, tướng lĩnh có nhà trong vùng “ghi đông xe đạp” kia là những anh hùng trong lòng người dân. Chiến công của họ cũng được lập nên từ sự xả thân, quên mình vì đất nước. Khi đó, chắc chắn họ không hề nghĩ đến chuyện đòi trả công, bởi chính tính mạng và tuổi thanh xuân của mình, họ còn chẳng tiếc. Công lao của họ là vô giá, nhưng giá trị những lô đất nằm trong khu mở đường kia lại có thể tính bằng tiền. Có thể dùng cái hữu hạn thực dụng để bù đắp cho cái vô hạn thiêng liêng được chăng?
Với những chiến tích anh hùng của họ, người dân báo đáp bằng lòng biết ơn vô bờ bến, bằng tượng đài vĩnh viễn trong lòng mình. Chỉ có sự ghi công đó mới là vô giá, mới xứng đáng với cống hiến vô giá kia của các anh hùng. Nếu ai đó nghĩ rằng có thể dùng đất đai hay sự đãi ngộ vật chất để trả công cho họ, thì đó là sự hạ thấp những người anh hùng, coi họ là những người dùng công lao quá khứ như một cuốn sổ tiết kiệm để dùng khi về già, làm hại hình ảnh của họ trong lòng công chúng. Vả lại, trong dân gian, khi buộc phải trả món nợ ân nghĩa bằng một thứ lợi ích, người ta thường thở phào mà nói: “Thôi thế từ giờ không còn nợ nần gì nhau nữa nhé”. Thế có nghĩa là ân oán đã trả xong, cho dù trước đây anh đã làm gì cho tôi thì từ giờ tôi không còn phải mang ơn anh nữa.
Không người dân Việt nào muốn “báo đáp” theo kiểu đó với những người từng hết lòng vì đất nước, bởi nợ ân nghĩa chỉ có thể trả bằng ân nghĩa mà thôi. Và nhân dân cũng tin rằng, những người anh hùng của mình không bao giờ muốn con đường bị bẻ cong để tránh ngôi nhà của họ, bẻ cong niềm tin yêu mà đồng bào luôn dành cho họ.
Minh Chính