Nhiều mẫu rau ngót nhiễm chất độc hại xuất hiện tại Hà Nội và TPHCM đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vì vậy việc nhận biết rau ngót an toàn rất quan trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ để nhận biết rau ngót an toàn bằng mắt thường:
Lá rau ngót: Bạn nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dầy mềm, hoặc lá xoăn lại, bất thường. Đó có thể là rau ngót có phun thuốc bảo vệ thực vật.
Nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng (ảnh minh họa) |
Màu sắc: Rau ngót ngon và sạch có màu xanh lá mạ, rau mọc không được đều lá, có một vài lá bị sâu đục. Trong khi đó, bạn nên tránh mua rau ngót có màu xanh sẫm, lá quá non, đều nhau, không có lá nào bị sâu đục lá.
Màu nước rau ngót: Với rau ngót tươi ngon, khi nấu canh, màu nước xanh nhạt và trong, không có màu sắc bất thường.
Trong khi đó, nếu nước canh rau ngót trở thành màu đen ngòm hoặc bị vẩn đục, có nhiều nhớt, nổi váng xung quanh thành nồi thì tuyệt đối không nên ăn vì đó là rau ngót dư thuốc trừ sâu.
Mùi vị: Khi chế biến, rau ngót có mùi vị đặc trưng riêng. Nếu có vị ngai ngái, quá nồng xen lẫn mùi hắc thì đấy là rau ngót đã bị nhiễm chất độc hại, tuyệt đối không được sử dụng.
Khi bảo quản: Rau ngót chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ rụng hết lá (dù lá vẫn tươi nguyên) và đặc biệt lúc nấu canh, nếu là rau ngót bẩn, màu nước canh sẽ chuyển sang vẩn đục, nhiều nhớt và nổi váng xung quanh thành nồi.
Lưu ý:
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, mùa rau ngót thường bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài sang tháng 3 của năm sau. Để mua được rau ngót an toàn, bạn nên mua đúng mùa rau, tránh mua trái vụ.
Nên mua rau ngót ở những địa chỉ uy tín như: Cửa hàng bán rau sạch, siêu thị... Tránh mua ở những quán hàng rong, vỉa hè không đảm bảo an toàn.
Rau ngót cần rửa sạch nhiều lần nước, ngâm nước muối khoảng 15 - 20 phút để hạn chế chất độc hại rồi mới được chế biến như bình thường. Nên đun nấu kỹ để hạn chế những tác động của lá rau ngót có chứa chất độc hại.
Dã Quỳ (Tổng hợp)