Độc tố trong măng đặc biệt là măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong trong vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo về việc ăn măng có thể gây ngộ độc. Theo tài liệu của Cục An toàn thực phẩm, độc tố trong măng là cyanide. Cyanide là một gốc axit (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc axit, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hóa là 1 mg cho một kg trọng lượng cơ thể. Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230 mg trong một kg măng củ. Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.
Măng, đặc biệt là măng tươi có độc tố có thể gây tử vong
Biểu hiện ngộ độc: Xảy ra sau ăn từ vài phút đến vài giờ tuỳ theo mức độ ngộ độc.
Ngộ độc nặng khi xuất hiện các triệu chứng xuất hiện sớm biểu hiện như: Đau đầu, nôn, khó thở, lẫn, tụt huyết áp, hôn mê, co giật và sốc. Hơi thở có thể có mùi quả hạn đắng, trường hợp ngộ độc nhẹ có thể xảy ra sau ăn vài giờ.
Khi có các triệu chứng nêu trên cần lập tức đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho các cơ quan chức năng.
Cách khử độc măng
Muối măng chua cũng là một biện pháp làm giảm tính độc của măng.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
- Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
- Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
- Bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.
- Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng, bạn có thể đem chế biến món ăn.
Trước khi sấy hoặc phơi măng khô nên ngâm qua nước muối, lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Muối măng chua cũng là một biện pháp làm giảm tính độc của măng.
Dã Quỳ (Tổng hợp)