Mặc dù nằm ở mặt tiền đường lớn được xây dựng hàng tỷ đồng nhưng chợ Phú Hữu đã bị bỏ hoang hơn chục năm nay, xuống cấp trầm trọng. Thay vì ngồi chợ tiền tỷ buôn bán, nhiều tiểu thương bỏ ra vỉa hè kiếm sống.
Được xây dựng từ năm 2004, cùng thời điểm trên địa bàn quận 9 cũng đồng loạt xây dựng nhiều ngôi chợ truyền thống khác, những tưởng người dân sẽ có một ngôi chợ khang trang, dẹp bỏ được các chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, thế nhưng chợ Phú Hữu (đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, TP. HCM) lại buôn bán quá ế ẩm để rồi tiểu thương lần lượt bỏ đi, chợ bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Cảnh u ám bên trong khu chợ tiền tỷ bị bỏ hoang hơn chục năm ở Sài Gòn, tiểu thương bám vỉa hè kiếm sống - TH: Tứ Quý.
Chợ Phú Hữu với sức chứa số lượng người lớn nhưng nhanh chóng trở thành hoang phế.
Chợ Phú Hữu rộng 2.000m2 với 164 sạp, trị giá gần 1,2 tỷ đồng, nằm ở vị trí mặt tiền đường lớn, có nhiều phương tiện qua lại, dân cư đông. Sau 1 năm dọn vào buôn bán, tiểu thương lại bỏ chợ tiền tỷ này để ra bám vỉa hè kiếm sống.
Phía trước chợ cũng chỉ còn đúng một tiểu thương thuê mặt sạp ngoài chợ để bán tạp hoá, còn vài hộ khác thì bán hàng ăn uống bên vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh. Tuy nhiên, họ cũng chỉ bán cầm chừng, chứ chẳng đông khách.
"Những ngày đầu dọn vào chợ, khách đến mua cũng cầm chừng chứ không đông lắm. Dần về sau thì ngày càng ế ẩm vì các chợ tự phát mọc lên nhiều. Hơn nữa, gần chợ có một vòng xoay, xe container chạy nhiều quá nên người dân cũng ngại đi lên chợ vì giao thông quá nguy hiểm. Vì thế thay vì đến đây, người dân lại chọn mua ở chợ tự phát, dẫn đến chợ này vắng khách. Hiện tại chợ Phú Hữu cũng dột quá, hư hỏng nhiều, khó lòng kêu gọi tiểu thương quay lại", cô Thảo (tiểu thương bán tạp hoá ngoài mặt tiền chợ Phú Hữu) chia sẻ.
Theo cô Thảo, vợ chồng cô thuê mặt bằng bán tạp hoá được 8 năm nay. Diện tích thuê khoảng 5 sạp với 5 triệu đồng/tháng. Cô cho biết, buôn bán chủ yếu cho khách quen.
Theo ghi nhận, hiện bên trong chợ như là nơi chứa rác, chuột và là tụ tập của các thanh niên ăn nhậu vì gần như các sạp, ki-ot, kệ buôn bán, phần mái,... đã bị hư hỏng theo thời gian.
Sạp tạp hoá của cô Thảo là tiểu thương duy nhất còn sót lại, nhưng chỉ bán cầm chừng bên ngoài chợ.
Bên trong chợ, các sạp và ki-ốt đều đã đóng cửa, "bất động" hơn chục năm nay.
Những người buôn bán ở vỉa hè gửi bảng hiệu trong chợ bỏ hoang.
Một số tiểu thương ghi chữ "tạm nghỉ" trước cửa sạp để thông báo cho khách quen biết.
Các sạp gần như bị hư hỏng, gỉ sắt vì rất lâu ngày không đụng tới.
Rác thải khắp các ngóc ngách trong chợ vì nơi này đã bị bỏ hoang hơn chục năm, chẳng ai ngó ngàng đến.
Các sạp đã xuống cấp do bị đóng cửa quá lâu.
Rong rêu bám đầy, thậm chí cây còn mọc được trên một bức tường của chợ Phú Hữu.
Mảng tường bị bong tróc, lộ ra phần thép gỉ bên trong khiến ngôi chợ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Phần mái chợ cũng bị dột, hư hỏng nhiều nơi. Bên trong như một đống hoang tàn sau nhiều năm bị lãng quên.
Đèn điện đều đã hư hỏng.
Hệ thống PCCC cũng bị đập vỡ, lấy đi sau khi ngôi chợ bị bỏ hoang.
Các kệ buôn bán đã xuống cấp, trở thành nơi trú ẩn của chuột,...
Quầy bán bán thịt cá trong chợ giờ chỉ là bãi rác.
Các sạp, kệ chứa hàng được thiết kế quá nhỏ, lại thấp nên trước đây tiểu thương rất khó khăn trong việc buôn bán.
Hiện tại một số quầy, kệ buôn bán tại khu thịt cá đã bị nứt nẻ, vỡ toác.
Nhiều tiểu thương lo ngại, chợ bị bỏ hoang lâu sẽ sinh ra tệ nạn, là nơi tập trung của người nghiện ma tuý, tụ tập ăn nhậu.
Hệ thống cống thoát nước cũng bị xuống cấp, nhiều chỗ bị lồi lõm đáng sợ.
Sau nhiều năm loay hoay tìm giải pháp, chợ vẫn bị bỏ hoang.
Tứ Quý