Đảng viên già đi trước, Đảng viên trẻ tiếp bước theo sau
Nhìn ngôi nhà sàn khang trang của ông Vi Văn Diện (SN 1955) bản Xằng, xã Lục Dạ, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An không ai nghĩ rằng cách đây 3 năm gia đình này lại thuộc hộ nghèo nhất trong xã. Rót bát chè xanh, ông Diện kể, do sinh ra ở mảnh đất được bao quanh bởi núi rừng như thế này, gia đình lại đông con, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy nên ông Diện “nghèo từ trong trứng nước”.
Là Đảng viên nên ông Diện quyết tâm xin thoát nghèo.
Nhờ Chính sách xóa mù chữ của Nhà nước, ông Diện cũng được đi học để viết cái tên của mình. Vào năm tròn 18 tuổi, cũng là thời điểm chiến tranh đang ác liệt, ông Diện quyết định trốn nhà nhập ngũ và được tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1979, ông Diện phục viên trở về quê và được bầu làm Bí thư chi đoàn xóm, Phó chủ nhiệm hợp tác xã. Đến năm 1984, ông Diện trúng vào hội đồng nhân dân của xã. Cũng vào năm đó, ông vinh dự được kết nạp Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặc dù cố gắng lao động nhưng càng về già, sức khỏe của ông càng yếu. Vợ chồng có 4 người con trai, vì thế làm lụng vất vả cũng chẳng đủ ăn. Năm 1995 là năm lần đầu tiên chính quyền địa phương xét duyệt hộ nghèo trên địa bàn, cũng từ đó gia đình ông Diện luôn thuộc hộ nghèo.
“Tôi luôn cảm thấy xấu hổ, mình là Đảng viên, lại đang có sức lao động, vậy mà nuôi vợ và các con không được, phải nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước. Vì thế đến năm 2015, khi thấy các con của tôi đã đủ tuổi khôn lớn có thể bắt đầu đi làm, thì tôi quyết định viết đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo”, ông Diện nhớ lại.
Nhớ về quyết định lúc xưa, ông Vi Văn Diện thừa nhận đó là việc “liều lĩnh” nhưng phải làm. Ông Diện cho hay, nếu có hộ nghèo thì được bảo hiểm, xin thuốc không mất tiền, con đi học được miễn giảm, Tết còn có quà, gạo. Thế nhưng nếu ai cũng muốn hộ nghèo thì làm sao đời sống phát triển được. Hơn nữa, ông làm như vậy cũng là muốn làm gương cho con cháu, luôn cố gắng chứ không được trông chờ vào Nhà nước.
Lá đơn xin thoát nghèo của anh Tuất.
Trước những tấm gương đi trước, ngày 16/10/2019, anh Kha Văn Tuất (SN 1984) trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông cũng đã mạnh dạn viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo. “Tôi còn trẻ, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Là Đảng viên, tôi xin tiên phong ra khỏi hộ nghèo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu”, nội dung đơn xin rút khỏi hộ nghèo của anh Tuất nêu.
Nói về việc này, anh Tuất ngại ngùng cho biết, thời điểm mới lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh còn gặp nhiều khó khăn khi đất đai ít, nguồn vốn chưa có, chưa biết cách làm ăn… vì vậy luôn thuộc hộ nghèo. “Từ khi vào Đảng thì tôi luôn cảm thấy xấu hổ. Tôi còn trẻ khỏe mà cứ nghèo mãi thế này thì làm sao được. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải ra khỏi hộ nghèo để quyết tâm làm giàu”, anh Tuất nói.
Cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày do chăm chỉ làm ăn.
Gần 400 lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo
Không chỉ xã Lục Dạ và Thạch Ngàn, mà ở các xã Môn Sơn, Bồng Khê và Mậu Đức, huyện Con Cuông cũng có nhiều hộ làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tính riêng trong năm 2018, toàn huyện có 61 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Tính từ năm 2016 đến nay, có 383 hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo, góp phần giảm từ 4 - 5% tỉ lệ hộ nghèo hằng năm ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững.
Bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Những năm gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện phong trào người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chứng tỏ bà con bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tư tưởng trông chờ, ỷ lại đang dần được xóa bỏ”.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp chình quyền, huyện Con Cuông đang tiến hành "cuộc cách mạng" giảm nghèo.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông khẳng định đây thực sự là một làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo ở địa phương miền núi này. Có được những kết quả nêu trên là nhờ các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể trên toàn huyện đã trải qua 10 năm bền bỉ thực hiện một chủ trương đúng đắn.
Lý giải về việc này, ông Hùng cho hay, việc làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo của bà con nhân dân cho thấy, nhận thức của người dân không còn trông chờ, ỷ lại và có ý thức vươn lên thoát nghèo; phấn đấu làm giàu theo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, cán bộ, Đảng viên là những người tích cực phát triển kinh tế để đưa gia đình mình thoát nghèo, phải là người gương mẫu xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, bản, từ đó vận động, giúp đỡ nhân dân cùng thoát nghèo.
“Địa phương luôn tuyên truyền và có các cơ chế, mô hình để nhân dân áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, nhân dân huyện Con Cuông đã hiểu và trở thành phong trào thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống”, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết thêm.