Chiều 13/10, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chính thức xác nhận việc hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải nộp đơn và được đồng ý rời khỏi câu lạc bộ phòng chống tội phạm (CLB PCTP) phường Phú Hòa.
Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải.
Trước đó hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải từng làm việc với lãnh đạo phường và cấp trên về những yêu cầu của hiệp sĩ khi truy bắt tội phạm.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương quy định, thành viên Câu lạc bộ PCTP ở phường nào thì chỉ được hoạt động trong địa bàn phường đó.
Tuy nhiên, đội hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải đã nhiều lần hoạt động ngoài phạm vi phường Phú Hòa. Điển hình như nhũng vụ bắt cướp mới đây tại các tỉnh miền Tây, thậm chí giáp biên giới Việt Nam – Campuchia.
Hiệp sĩ Hải và đồng từng đội bắt tội phạm gần khu vực biên giới.
Về việc này UBND phường đã mời hiệp sĩ Hải lên làm việc và nhắc nhở. Sau đó hiệp sĩ Hải cũng đưa ra ý kiến của mình. Tuy nhiên, hai bên không thống nhất được, nên hiệp sĩ Hải đã nộp đơn xin ra khỏi CLB của phường.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết thêm: “CLB PCTP là tổ chức tự nguyện, người dân đều có quyền tham gia. Tuy nhiên, khi đã vào tổ chức thì phải thực hiện theo quy chế của UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành”.
“Sau khi tiếp nhận đơn của anh Hải, UBND phường đã họp với công an địa phương và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ lấy ý kiến và lập biên bản thống nhất giải quyết theo nguyện vọng của người làm đơn”, bà Thúy cho hay.
Đội hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải - "khắc tinh" của tội phạm.
Chiều ngày 13/10, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Công việc phòng chống, truy bắt tội phạm không có điều gì có thể nói trước được. Nửa đêm, nửa hôm chúng tôi nhận được điện thoại của người dân bất kỳ địa bàn nào, nhờ giúp đỡ.
Bà con có biết đến mình, tin mình họ mới nhờ, chẳng lẽ mình từ chối. Quá trình truy bắt tội phạm, chúng truy đuổi với tốc độ cao, qua nhiều địa bàn nên không thể dừng lại để báo cáo cơ quan chức năng từng khu vực vì sẽ mất dấu vết.
Để anh em chủ động khi làm việc. Nếu bắt tội phạm mà phải theo quy trình, báo cáo, chờ phối hợp chỗ này chỗ kia, tôi thấy không phù hợp và anh em làm việc sẽ bị động, khó khăn, không hiệu quả”.
Để người dân và chính quyền hiểu, thông cảm, hiệp sĩ Hải nói: “Tôi xin chính quyền địa phương, bà con hiểu, thông cảm cho tôi. Đi bắt cướp, tội phạm phải theo quy trình, khuôn phép tôi thấy không phù hợp với tôi nên viết đơn xin nghỉ”.
Bên cạnh anh Hải cũng cho biết thêm: “Mặc dù tôi xin nghỉ làm ở phường, tuy nhiên tôi và các anh em khác vẫn sẵn sàng giúp dân khi có yêu cầu. Việc làm này không hưởng lương, hưởng chế độ, không lấy của dân một đồng nào. Bà con có vấn đề gì cứ báo trực tiếp, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ”.
Chia sẻ về nỗi niềm với “nghề”, anh Hải có chút ngậm ngùi nói: “Trước những năm 2000, một lần tôi đang dọn hàng tại cửa hàng vật liệu xây dựng của nhà thì có người la cướp cướp. Tôi đã lao ra, truy đuổi và bắt được 2 đối tượng cướp xe máy”.
“Tỉnh Bình Dương nhà mình có nhiều khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động tứ phương. Tuy nhiên kéo theo đó, tình hình an ninh cũng phức tạp, thường xuyên xảy ra trộm cắp, cướp giật.
Lúc đầu tôi cùng một số anh em nhiều lần dũng cảm bắt tội phạm giao nộp công an, sau đó người ta quen rồi gọi chúng tôi là “hiệp sĩ” luôn”, hiệp sĩ Hải nói.
Hiệp sĩ luôn sẵn sàng giúp người dân nếu có yêu cầu.
Hơn 20 năm hoạt động săn bẳt cướp, hiệp sĩ Hải và đồng đội đã bắt trên 3.600 vụ trộm cướp. Trong đó, có những tội phạm giết người, truy nã, cướp giật hết sức nguy hiểm.
Ghi nhận công lao của anh và đồng đội, Nhà nước, chính quyền địa phương đã truy tặng hơn 700 bằng khen, giấy khen, trong đó có bằng khen của Chủ tịch nước Huân chương “Chiến công hạng III” đối với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngoài ra anh cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.