Trong lớp học nơi "chảo lửa" Trung Phi ấy, thầy Sơn chỉ biết tiếng Anh, những cô cậu học trò nhỏ chỉ nói được tiếng Pháp, thế nhưng họ vẫn có thể giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ từ trái tim của mình.
Năm 2017, Trung tá Lê Ngọc Sơn (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng) là một trong 5 sĩ quan được cử sang Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tại đây, người quân nhân ấy đã trở thành thầy giáo dạy học cho những đứa trẻ nghèo khó, thắp sáng lớp học tối tăm, không ánh điện bằng tấm lòng nhân ái, yêu hoà bình.
Người thầy đặc biệt trong lớp học tối tăm, học trò bò ra ghế nhìn chữ vì không có đèn
Vào thời điểm Trung tá Lê Ngọc Sơn làm nhiệm vụ, Cộng hoà Trung Phi được biết đến như 1 "chảo lửa" với đầy bất ổn về chính trị và kinh tế. Đặc biệt, trẻ em nơi đây còn không được đến trường. Do an ninh bất ổn, các em thậm chí còn có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, bị sát hại, hãm hiếp hoặc lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang, vì các em là những đối tượng yếu thế, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ nhất.
Hiểu được rằng giáo dục có ý nghĩa rất lớn đối với nhận thức và tương lai trẻ em, Trung tá Lê Ngọc Sơn đã dành nhiều tâm huyết để mở lớp dạy học dẫu cho việc "gieo chữ" không phải nhiệm vụ của một sĩ quan gìn giữ hòa bình, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Lớp học nhỏ của Trung tá Sơn cho các trẻ em tại CH Trung Phi
"Tôi đi dạy học là vì tôi thấy trẻ em bên Cộng hoà Trung phi rất vất vả, các con không có điều kiện học hành, mà mình lại có khả năng dạy được, nên là tôi muốn hỗ trợ các con. Ban đầu tôi chỉ dạy cho 4 trò thôi, nhìn các con bò ra trên ghế để nhìn chữ trong trời tối tôi thấy rất thương các con, dạy học không vì mục đích gì khác nữa.
Khi tôi dạy học như thế Liên hợp quốc có khuyến cáo là không nên bởi lo sợ rằng có thế lực nào đó chụp ảnh lại, cắt ra những hình ảnh rồi nói tôi đi tuyên truyền những cái xấu, Liên hợp quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc này nên họ rất hiểu. Nhưng trong buổi giao ban toàn Phái bộ tôi đã trình bày rõ, đồng thời liên kết thêm với nhiều tổ chức nhân đạo, từ đó tôi đã mở được 6 lớp học" - Trung tá Sơn chia sẻ.Nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo, lớp học của Trung tá Lê Ngọc Sơn cũng có bảng đen phấn trắng, cũng có bàn ghế. Đến thời điểm đó, rào cản lớn nhất đối với "thầy" Sơn lại chính là ngôn ngữ, bởi anh chỉ biết tiếng Anh, còn học trò trong lớp lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
Sự bất đồng về ngôn ngữ khiến anh phải tự học tiếng Pháp như học trò để có thể giao tiếp. Dù đôi lúc phải nhờ đến sự giúp đỡ của thông dịch viên, thế nhưng những câu chuyện giữa người thầy giáo và những cô cậu học trò đã ngày càng dễ dàng bởi họ đều hiểu ý của nhau thông qua những cử chỉ và diễn đạt đơn giản.
"Khó khăn lớn nhất đó là bất đồng ngôn ngữ vì học trò chỉ biết tiếng Pháp, còn tôi chỉ biết tiếng Anh thôi. Tôi muốn học tiếng Pháp để dạy học cho học trò, khi các con nói 1 câu tiếng Pháp mà tôi chưa nghe được câu đấy, muốn nghe lại thì tôi chỉ cần đặt tay lên tai như này là học trò hiểu là tôi muốn nghe lại, các em sẽ nói lại câu đó" - Trung tá Sơn kể lại.
Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng "thầy" Sơn và học trò vẫn có thể giao tiếp nhờ những cử chỉ đơn giản.
Lớp học với những đứa trẻ vùng "chảo lửa" Cộng hoà Trung Phi đã cho Trung tá Sơn nhiều niềm vui lẫn kỷ niệm trong đời. Khi hoàn thành nhiệm vụ tại MINUSCA và trở về Việt Nam, anh giữ gìn cẩn thận món quà từ những người học trò khác màu da, giọng nói ấy: là bức tranh vẽ lá cờ Cộng hoà Trung phi, là mẩu đá có vẽ khuôn mặt "thầy" Sơn và cả 1 bức thư với nét chữ nghuệch ngoạc, dính bùn đất.
"Khi viết lá thư này các con viết sai và ném ra ngoài trời mưa. Trước đó các con có nói với tôi câu nói bằng tiếng Anh là "I love you" nên tôi hiểu là lá thư có gửi cho tôi tình cảm gì đó nên chạy ra nhặt lá thư về, dùng giẻ thấm cẩn thận.
Còn đây là mẩu đá các con tặng. Nhìn 1 bên tôi thấy đó là cờ Cộng hoà Trung Phi, bên còn lại là mặt người. Các con trêu tôi nói đó là thầy Sơn, có tóc màu đen, có râu ria" - Trung tá Sơn khoe những món quà được học trò từ Trung Phi tặng.
Tình yêu đất nước và hình ảnh đẹp của người sĩ quan Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế
Phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ, bằng sự tích cực, chủ động cùng tấm lòng nhân ái, Trung tá Lê Ngọc Sơn cùng các đồng đội người Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt, được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao.
Anh khẳng định: Nếu so về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ thì sĩ quan Việt Nam không thua kém bất kì cán bộ, sĩ quan nước nào tại Phái bộ MINUSCA, thậm chí còn có nhiều điểm nổi trội. Khi các anh tham gia hỗ trợ nhiệm vụ cho các đồng chí của nước khác đều được đánh giá cao, tạo ấn tượng tốt về người lính, người dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
"Người Việt Nam chúng ta rất yêu nước, lịch sử của chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Khi chúng tôi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, lòng yêu nước và tình yêu thương con người tăng lên rất nhiều.
Khi ra nước ngoài, người Việt Nam mình khác với những người khác, sĩ quan Việt Nam sang đó giúp đỡ người dân, dạy học, hướng dẫn người dân cách trồng rau, làm vườn, xách nước, bổ củi... Chỉ có người Việt Nam mới làm những điều đó mà sĩ quan các nước thì không. Khi tôi chuẩn bị về nước, Phái bộ đánh giá, nhận xét thì tôi mới biết thì ra người Việt Nam khi ra nước ngoài lại được quý mến, tôn trọng đến thế" - Trung tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ.