Sau hơn 400 ngày chờ đợi, chiều qua (2/5), "tỷ phú ve chai" Huỳnh Thị Ánh Hồng đã chính thức được nhận 5 triệu Yên từ cơ quan Công an.
Thông tin chị ve chai nhận được số tiền vô chủ trong đôi loa đồng nát đã khiến mọi người thở phào vì cuối cùng, vụ phân xử 5 triệu Yên cũng đã "hạ hồi phân giải", và phần thưởng cho lòng trung thực của chị Hồng ve chai là một cái kết có hậu, với khoản "lộc trời" đáng giá cả một gia tài.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của chị Hồng, niềm hạnh phúc của chồng con, gia đình và cả những người ủng hộ chị suốt thời gian qua, bạn đọc vẫn thấy có chút buồn lắng trong câu chuyện.
Đó là chuỗi ngày của những phiền phức và mỏi mệt khi cận tới ngày bàn giao tiền, bỗng dưng xuất hiện người phụ nữ tự nhận là chủ sở hữu của 5 triệu Yên mà chị Hồng ve chai nhặt được. Vụ việc rơi vào tranh chấp, công an nói đã hết quyền xử lý, số tiền được chuyển sang tòa án. Tòa án khẳng định hiện không có cơ sở thụ lý vụ việc, công an phải vào mà điều tra. Chị ve chai ở giữa, mệt mỏi, rắc rối và có thời điểm còn rơi vào tuyệt vọng, đến mức chị còn phải thốt lên, rằng bản thân không hề có ý định tranh giành gì số tiền, mà chỉ mong cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, để cuộc sống của chị khỏi bị xáo trộn và bản thân có thể yên tâm tiếp tục công việc ve chai mưu sinh.
Chị Hồng đã chính thức được bàn giao 5 triệu Yên, châm dứt vụ phân xử số tiền vô chủ đầy tranh cãi |
Đó là khi sự thật về người tự nhận là "chủ nhân" của đôi loa được hé lộ, là người sử dụng hộ chiếu giả và khai báo làm việc cho một công ty không có thực tại Việt Nam. Thời điểm ấy, trong khi chị ve chai trung thực đang nuôi hy vọng trở lại là có thể được sở hữu số tiền nhặt được theo đúng quy định của pháp luật thì vụ việc lại được đẩy lên "cao trào" khi xuất hiện thông tin 5 triệu Yên có nguy cơ bị tịch thu vì nghi đó là số tiền do phi pháp mà có. Trong khi đó, không ai đưa ra hạn định thời gian để xử lý vụ việc và chị ve chai được yêu cầu tiếp tục... chờ. Sự việc bị kéo dài, chị Hồng lại thêm một lần nữa mỏi mệt và chán chường.
Đó là sự im lặng đến "nghẹt thở" khi đã có thông báo chính thức của cơ quan công an về quyết định trao lại số tiền cho chị ve chai nhưng chị đợi mãi vẫn không thấy có thông tin gì. Và sau một thời gian dài đương đầu với bao nhiêu phiền hà, mệt mỏi, mãi tới chiều qua (3/6), chị mới được công an Tân Bình chính thức bàn giao số tiền.
Điều đáng nói, chị ve chai vốn là người không hề biết chữ. Và cũng như chính chị đã thừa nhận trước đó, bản thân cũng không am hiểu về các thủ tục pháp lý. Việc nộp số tiền 5 triệu Yên nhặt được cho cơ quan công an là "phản xạ" rất tự nhiên của chị. Vì chị nghĩ đó không phải là số tiền của mình, công an sẽ có trách nhiệm tìm ra người chủ thực sự và trao trả lại cho họ. Tuy nhiên, cũng chính vì lối suy nghĩ quá mộc mạc và hành động quá "lương thiện" của mình mà khi vấp phải những phiền hà, rắc rối từ vụ phân xử 5 triệu Yên, dư luận thấy bất bình thay cho chị. Nhiều ý kiến còn nhận định, phải chăng, những rắc rối đó chính là cái giá của lòng trung thực.
Nếu không có truyền thông, công luận và những chuyên gia hỗ trợ pháp lý, liệu chị Hồng sẽ xoay xở ra sao để đến được với "lộc trời" |
Giá như khi nhặt được tiền, chị không đi khai báo thì có lẽ cũng không ai có thế trách móc được chị. Thế nhưng, sau "phản xạ" đầy nhân cách và lòng tự trọng của chị, có thể chị cũng không lường được hậu quả. Và cho đến những giây phút áp chót của vụ phân xử tiền, người ta thấy chị ve chai đáng trọng nhưng cũng thật đáng thương.
Cơ quan công an thông tin về việc chậm trễ giải quyết vụ việc là do... chưa có tiền lệ. Và chính vì chưa có tiền lệ nên trong quá trình xử lý còn nhiều lúng túng. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, đáng ra ngay từ đầu, công an Tân Bình phải bác đơn của bà Ngọt vì đã quá thời hạn thông báo mà người được cho là chủ nhân thật sự của số tiền vẫn chưa xuất hiện. Cộng thêm việc về mặt pháp lý, số tiền trên cũng không phải là tài sản chung của bà Ngọt và người chồng Nam Phi nên vụ phân xử nên kết thúc sớm hơn, tránh được mệt mỏi cho chị ve chai và tránh hoang mang cho dư luận.
Và điều gì sẽ xảy ra nếu trên hành trình đến được với "lộc trời", chị Hồng là một người... đơn độc. Bởi suốt hơn một năm ròng rã, nếu không có truyền thông và công luận, không có các chuyên gia hỗ trợ pháp lý miễn phí đồng hành thì liệu chị ve chai nghèo khó sẽ xoay xở ra sao với cơ quan chức năng khi họ viện dẫn những quy định, yếu tố pháp lý, quy trình, điều luật... để làm việc. Và giả dụ trong trường hợp không được bàn giao 5 triệu Yên, liệu bản thân chị có đủ lý lẽ để tự đòi quyền lợi chính đáng cho mình?
Như chính chị từng tâm sự, vì không được học hành, cũng chưa từng làm nghề gì khác nên dù có được thừa hưởng số tiền trên hay không, chị vẫn tiếp tục công việc ve chai để mưu sinh. Và trong thời khắc chị được nhận số tiền đáng giá của một gia tài, mọi người đều thấy mừng thay cho chị. Vì cuối cùng, lòng trung thực vẫn lên ngôi. Tuy nhiên, giá như cơ quan chức năng giải quyết vụ việc linh động hơn thì có thể niềm vui của chị ve chai, của gia đình và của một lượng lớn công chúng dõi theo vụ việc sẽ trọn vẹn hơn nhiều.
Vũ Đậu