Tin mới

Cây bạc hà: Vị thuốc quý nên có trong vườn nhà

Chủ nhật, 25/06/2023, 11:00 (GMT+7)

Cây bạc hà được ví như vị thuốc quý nên có trong vườn nhà vì những tác dụng tuyệt vời dành cho sức khỏe.

Tên khoa học của bạc hà

Cây bạc hà hay bạc hà băng có tên khoa học Mentha arvensis L., thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae) là loại cây sống lâu năm, thuộc loại thân thảo và có các đặc điểm như sau:

Thân cây mềm hình vuông, mang mầm lá mọc bò lan và có chiều cao khoảng 40 – 50cm. Lá cây có răng cưa mọc đối, hoa có nhiều màu gồm màu hồng, trắng hoặc tím hồng. Môi trường sống thích hợp của bạc hà ở độ cao từ 1300 – 1600m.

Thành phần cây bạc hà

Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỷ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ0,5 đến 1%, có khi có thể lên tới 1,3-1,5%. Bằng phương pháp lựa chọn giống, Liên Xô cũ đã có những loại bạc hà đạt tới 5,2 đến 5,6% tinh dầu (tính trên cây, đã trừ độ ẩm). Ngoài tinh dầu, trong cây bạc hà còn có các flavonozit.

Cây bạc hà: Vị thuốc quý nên có trong vườn nhà - Ảnh 1
 

Thành phần chủ yếu trong tinh dầu bao gồm những chất sau đây: Mentola C10H19OH có trong tinh dầu với tỷ lệ 40-50%, loài của Trung Quốc và Nhật Bản có thể lên tới 70-90%. Mentola ở trong tinh dầu chủ yếu ở trạng thái tự do nhưng một phần ở dạng kết hợp với axit axetic. Mentol C10H18O chừng 10 đến 20% trong tinh dầu bạc hà Trung Quốc.

Tác dụng cây bạc hà

- Điều trị đau dây thần kinh và chống say tàu xe: Khi dùng tại chỗ, tinh dầu bạc hà tạo cảm giác mát và tê tại chỗ, giảm đau dây thần kinh, ngoài ra còn dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau (xương khớp, thái dương khi nhức đầu). Uống trà bạc hà nóng có tác dụng giảm nôn trong say tàu xe.

- Điều trị ngứa và làm sạch xoang mũi: Bạc hà có tác dụng sát trùng mạnh thường giúp giảm ngứa trong các bệnh ngoài da, khi xông trực tiếp giúp làm sạch và thông xoang mũi.

- Trong điều trị sốt: Tinh dầu bạc hà hay mentol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, tăng bài tiết mồ hôi, làm giảm thân nhiệt chữa cảm sốt, cảm mạo, mũi ngạt, nhức đầu.

- Trong điều trị hôi miệng, căng thẳng: Liều dùng lá và toàn cây: Ngày uống từ 4 đến 8g dưới dạng thuốc pha.

- Xua đuổi côn trùng: Sử dụng một lượng nhỏ tinh dầu bạc hà cho vào máy xông hơi có tác dụng khử sạch mùi hôi...

- Giảm căng thẳng: Một ly trà bạc hà uống vào ban đêm (trước khi đi ngủ 30 phút) sẽ giúp dễ ngủ và giảm stress.

Cây bạc hà: Vị thuốc quý nên có trong vườn nhà - Ảnh 2
 

Bài thuốc chữa bệnh từ bạc hà

- Thuốc chữa nôn thông mật giúp dễ tiêu hoá: Lá bạc hà hay toàn cây bạc hà bỏ rễ 5g, pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống 1 lần. Có thể dùng cồn bạc hà theo công thức tương tự ở trên, mỗi lần uống 5 - 10 giọt.

- Chè chữa cảm mạo, nhức đầu: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Nước sôi đổ vào chờ 20 phút, uống lúc đang nóng.

- Phòng cảm cúm: Bạc hà, Tía tô, Kinh giới, Hoắc hương mỗi thứ 4 - 6g, sắc nước cho trẻ uống để chống cúm lúc có dịch cúm.

- Tán nhiệt, giải biểu: Bạc hà 8g, thuyền thoái (xác ve sầu) bỏ chân 12g, thạch cao 24g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa các chứng cảm mạo mới phát có phong nhiệt ở biểu.

Bột Thạch cao bạc hà: Thạch cao sống 40g, bạc hà diệp 20g, nghiền mịn, uống 2g - 3g mỗi lần; ngày 3 lần, uống với nước nóng. Trị sốt sợ nóng, mồ hôi không thoát, miệng khát, tim hồi hộp, đêm ngủ không ngon.

Một số tác dụng phụ của bạc hà đã được ghi nhận như: Dị ứng da; Nổi phát ban trên da; Co giật Ợ nóng; Làm chậm nhịp tim; Hạ đường huyết; Ngộ độc do dùng quá liều

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news