Tin mới

Chàng trai đặc biệt ở nghĩa trang hài nhi

Thứ năm, 09/10/2014, 09:37 (GMT+7)

Đã 5 năm nay, Nguyễn Tuấn Viết, hiện là sinh viên năm 2 trường Kinh tế Ngoại giao Việt Nam tình nguyện làm việc ở nghĩa trang hài nhi Bến Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội).

Đã 5 năm nay, Nguyễn Tuấn Viết, hiện là sinh viên năm 2 trường Kinh tế Ngoại giao Việt Nam tình nguyện làm việc ở nghĩa trang hài nhi Bến Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội).

Ám ảnh

Tuổi thơ của Viết hằn rõ những hình ảnh đầy ám ảnh ở nghĩa trang Bến Cốc. Khi Viết còn nhỏ, bà nội hay vắng nhà, đi đến các bệnh viện, cơ sở y tế nhận những thai nhi bị phá bỏ để về chôn cất. Lớn lên, Viết theo chân bà và một số người trong giáo xứ Bến Cốc làm công việc này. Dù còn nhỏ, nhưng Viết hiểu rằng, những bào thai bị phá bỏ là những sinh linh đáng thương cần được chôn cất. “Khi về với cát bụi, mỗi người cần một chốn trú ngụ để linh hồn được siêu thoát”, Viết nói.

Nguyễn Tuấn Viết.

Viết tâm sự, lần đầu tiên chôn cất hài nhi, cậu rùng mình vì sợ, vì thương. Viết bật khóc nức nở. Những ngôi mộ ở nghĩa trang chứa đựng nhiều trăn trở của Viết, của những thành viên trong đội Bảo vệ sự sống. “Mỗi lần chôn cất xong, tâm trạng mình nặng trĩu. Rất nhiều lần mình ngồi lặng ở nghĩa trang, không muốn về nhà. Mình suy nghĩ về số phận của các em nhỏ không may mắn”, Viết nói.

 

Nỗi buồn và sự ám ảnh đè nặng cả giấc ngủ. Viết kể, nhiều đêm, cậu thảng thốt thức dậy vì những hình ảnh chứng kiến ban ngày cứ chập chờn. Sau mỗi lần như thế, chàng trai này càng thấy thương các hài nhi hơn và quyết tâm gắn bó công việc. Nhiều lần Viết tự hỏi: "Sao con người có thể nhẫn tâm đến vậy?".

 

Ở nghĩa trang Bến Cốc, Viết hay gặp những cô gái trẻ. Họ đến nơi đây nhiều lần, khóc tức tưởi trên những ngôi mộ. Có cô gái còn cắt cả tóc để lại như một sự ân hận.

Lòng tốt lan toả

Bà nội của Viết là người đầu tiên trong gia đình tham gia đội Bảo vệ sự sống. Hơn ai hết, Viết hiểu những áp lực bà từng gánh chịu. Những ngày đầu thành lập, các thành viên trong đội đến các bệnh viện, cơ sở y tế nhận xác thai nhi nhưng bị từ chối, thậm chí còn bị mắng chửi.

Hàng xóm nhiều người dị nghị, đặt điều và đồn thổi về công việc này. Bà bỏ ngoài tai tất cả, vẫn kiên tâm với việc mình làm. Viết vẫn nhớ lời bà: "Nếu tin điều mình làm là đúng thì mình tiếp tục theo đuổi. Cái tâm trong sáng thì việc mọi người hiểu ra, đồng cảm chỉ là sớm muộn. Người làm việc tốt không cần hàm ơn, báo đáp". 

Tấm chân tình của bà, nghĩa cử lặng thầm của đội Bảo vệ sự sống khiến nhiều người thân trong gia đình Viết cảm động. Ông nội, bà ngoại và Viết tham gia vào đội. Theo thời gian, nỗ lực của đội Bảo vệ sự sống dần được mọi người hiểu ra và ghi nhận. Các bác sĩ ở các bệnh viện đồng ý và tạo điều kiện tốt nhất cho công việc đặc biệt này. Những người xung quanh từ dị nghị, bất đồng quay sang ủng hộ.

Viết nhận ra rằng nghĩa cử của Đội có sức lan tỏa mạnh. Số lượng người tham gia đội Bảo vệ sự sống ngày một đông, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đang là sinh viên các trường đại học. Cuối tuần, các bạn trẻ lại về Bến Cốc (Sóc Sơn) cùng nhau làm việc nghĩa và dọn dẹp nghĩa trang.

Điều quan trọng nhất mà Viết và những bạn trẻ trong Bảo vệ sự sống tâm niệm là sống phải có trách nhiệm với chính bản thân, với những việc mình làm. Viết mong nghĩa trang thai nhi Bến Cốc sẽ đánh thức trách nhiệm của mỗi người trước mạng sống của những hài nhi vô tội.

Nghĩa trang thai nhi Bến Cốc ở xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), là một trong những nghĩa trang thai nhi lớn nhất cả nước. Đây là nơi an nghỉ của hơn 5 vạn hài nhi.

Theo Thuý An/Báo Tấm gương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news