"Dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng của các tạp chí khoa học hiện nay của Việt Nam còn khá thấp so với mặt bằng khu vực ASEAN và thế giới".
Đó là nhận định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trong công văn yêu cầu về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài trong các tạp chí khoa học được tính điểm do Tổng thư ký HĐCDGSNN Trần Văn Nhung vừa ký ngày 4/4.
Theo thống kê, cho đến ngày 21 tháng 3 năm 2016 đã có 356 tạp chí khoa học Việt Nam được đưa vào danh mục tạp chí tính điểm của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Tuy nhiên, trong số đó, mới chỉ có một tạp chí được vào danh sách SCIE cuối năm 2015 (tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) , hai tạp chí được vào danh sách Scopus ( tạp chí Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam và VHLKH&CNVN và Acta Mathematica Vietnamica của VHLKH&CNVN).
"Như vậy, trong số 356 tạp chí nói trên, Việt Nam chỉ có ba (≈ 0,84%) tạp chí nằm trong danh sách ISI hoặc Scopus và cũng chỉ có 24 tạp chí bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Việt-Anh (≈6,7%). Trong khi đó, các quốc gia khác thuộc cộng đồng ASEAN như Malaysia đã có 48 tạp chí, Thái Lan có 21 tạp chí được xếp vào Scopus", văn bản nêu rõ.
Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vào ISI. Ảnh: Internet |
Cũng theo nội dung trong văn bản của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015, trong số 28 Hội đồng chức danh ngành/liên ngành chỉ có ba Hội đồng chức danh ngành/liên ngành mà 100% ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có công bố quốc tế; có 10 Hội đồng chức danh ngành/liên ngành mà các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS chưa có công bố quốc tế.
"Tất nhiên các con số này còn phụ thuộc vào đặc thù quốc tế hóa của các ngành khoa học tự nhiên - công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn, nhưng yêu cầu hội nhập quốc tế rất khẩn trương và trực tiếp hiện nay đang đòi hỏi và thúc đẩy cả các ngành khoa học xã hội - nhân văn", công văn viết.
Trước thực trạng trên, Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước siết chặt điều kiện tính điểm của các sách, tạp chí khoa học từ ngày 1/1/2017.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2017, các tạp chí khoa học không đáp ứng đầy đủ các quy định chuẩn trình bày (quy định tại mục 2.1. và 2.2 của công văn) thì sẽ đưa ra khỏi danh mục tạp chí khoa học được tính điểm. Ngoài ra, hàng năm các tạp chí nên dành ít nhất một, hai số hoàn toàn bằng tiếng Anh công bố những bài báo có chất lượng khoa học tốt nhất. Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng khuyến khích các tác giả trình bày bài báo bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Việt - Anh để có tài liệu khoa học trao đổi và hội nhập quốc tế về khoa học và giáo dục.
Về sách, Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước dự kiến: Đối với các sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên (sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo,sách hướng dẫn), xuất bản từ 01/01/2017 trở đi phải có mã số chuẩn quốc tế ISBN thì mới được tính điểm.
H.Minh