Liên quan đến vụ việc chim bồ câu mang thiết bị lạ, trên cánh có mang chữ Trung Quốc, TS. Ngô Xuân Tường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, việc những con chim như vậy xuất hiện là bình thường, không có vấn đề gì cả.
Như tin tức đã đưa, trong thời gian qua người dân tại xã Hòa Khương, Hòa Tiến huyện Hòa Vang, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng đã bắt được nhiều chim bồ câu lạ. Đặc biệt những con chim bồ câu này dưới 2 chân có 2 ống nhựa hình tròn, mở ra bên trong thấy có chữ Trung Quốc. Trên cánh có in 5 khuôn chữ Trung Quốc. Thậm chí có con còn mang mang cả một chiếc thẻ giống như thẻ nhớ điện thoại di động...
Người dân đã mang những con chim bồ câu kỳ lạ này đến bàn giao cho cơ quan chức năng. Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Công an quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang thu giữ những cá thể chim bồ câu lạ này để nuôi nhốt. Công an TP.Đà Nẵng giữ lại các cá thể chim bồ câu “lạ” này và cùng phối hợp Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tìm hiểu, giải mã, và báo cáo kết quả sớm.
Chim bồ câu mang ký tự lạ, chữ Trung Quốc: Nhà khoa học lên tiếng (ảnh báo Đất Việt)
Ngoài thành phố Đà Nẵng, một số tỉnh miền Trung như Bình Định, Nghệ An người dân bắt được nhiều chim bồ câu mang ký tự lạ, khiến người dân hoang mang. Những ký tự lạ này trông giống chữ Trung Quốc, được ghi ở hai bên cánh với hai màu xanh và đỏ. Dưới chân chim có đeo vòng và được đánh số.
Trao đổi về hiện tượng chim bồ câu mang “ký tự lạ”, TS. Ngô Xuân Tường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chia sẻ trên báo VTC News: “Theo tôi, việc những con chim như vậy xuất hiện là bình thường, không có vấn đề gì cả”.
Ông Ngô Xuân Tường cho biết, chim bồ câu có loài di cư và có loài không. Đối với những loài chim di cư, nếu các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu thì họ vẫn thường đeo vòng vào chân, thậm chí là gắn những thiết vị vệ tinh vào.
Từ thiết bị này, các nhà khoa học có thể theo dõi hoạt động của loài chim đang nghiên cứu. Theo ông Tường, hiện nay, nếu đi vào các vườn quốc gia, mọi người vẫn có thể thấy nhiều loài chim đeo vòng như vậy.
Đáng chú ý, ông Tường cho biết, loại vòng gắn vào cáo loài chim di cư để nghiên cứu là rất tốn kém. Hiện nay Việt Nam chưa sản xuất loại thiết bị này.
“Việc đeo vòng vào chân chim để nghiên cứu là rất tốn kém. Hiện nay nước ta chưa sản xuất loại vòng này. Thông thường, các nhà khoa học nước ngoài mang sang và chúng tôi kết hợp với họ để thực hiện”, ông Tường cho hay.
Cũng theo ông Tường, để biết được nguồn gốc chim bồ câu có ký tự lạ xuất hiện trong thời gian qua, cơ quan chức năng phải giải mã được các ký tự trên vòng đeo ở chân chim.
“Bây giờ phải biết cụ thể con chim đấy là loài gì, phải giải mã được vòng đeo ở chân, chữ số, ký hiệu đó thì mới lần ra được nguồn gốc của chúng. Còn việc chim có vòng đeo ở chân, có ký tự ở cánh là nhằm phục vụ cho mục đích nào đó của người thực hiện, không có gì lạ cả.
Ở đây, vòng đeo trên chân chim cũng giống như con người chúng ta có chứng minh thư, thẻ căn cước. Các ký tự trên cánh chim có thể là người thực hiện đánh dấu đặc điểm nhận dạng, những thông tin cần thiết, giống như lý lịch khoa học”, ông Tường cho hay.
H.Nguyên (tổng hợp)
Xem thêm Video: Người phụ nữ rình rập 3 ngày liền ở quán cafe để trộm chó Fox