Thành Cát Tư Hãn đã thiết lập một đại quân Mông Cổ thiện chiến, trở thành nỗi ám ảnh trên chiến trường trong các cuộc chinh phạt khắp Á-Âu.
Thành Cát Tư Hãn là một nhân vật quan trọng trong lịch sử thế giới. Hầu hết mọi người đều biết ông là người sáng lập ra Đế quốc , nhưng ít người hiểu rõ về cách thức giúp vị khả hãn này lập nên những kỷ lục vô tiền khoáng hậu ra sao.
Đó chính là cách ông tổ chức, kiểm tra, rà soát và thiết lập trở thành một trong những "cỗ máy chiến đấu" vĩ đại nhất từng thấy trên thế giới.
Vậy tại sao Thành Cát Tư Hãn có thể tập hợp, huấn luyện một đội quân đông đảo và biến họ trở thành một cỗ máy chiến đấu thực sự trên chiến trường?
Nguyên nhân bắt đầu từ sự bỏ rơi!
Sau khi cha là thủ lĩnh quân sự Dã Tốc Cai qua đời, bộ lạc Mông Cổ bị chia rẽ, nhiều gia tộc khác rời đi, trong khi đó, gia đình của (tên thật của Thành Cát Tư Hãn) lại bị bỏ rơi trên thảo nguyên.
Ngay từ nhỏ, Thiết Mộc Chân đã phải nỗ lực để sinh tồn sau sự ra đi đột ngột của người cha và gia đình bị bỏ lại giữa thảo nguyên. Ảnh minh họa
Cú sốc từ việc người cha qua đời đột ngột, cùng việc bị bỏ rơi khiến Thiết Mộc Chân (khi đó còn rất nhỏ tuổi) nhanh chóng học được cách để có thể hoặc không thể tin tưởng một người nào đó. Chính vì điều này, ông đã tìm cách xây dựng lại bộ tộc của mình thông qua các liên minh.
Cụ thể, ông bắt đầu tới bộ tộc Hoằng Cát Lạt để xin hỏi cưới Bột Nhi Thiếp (Börte) vào năm 16 tuổi vì hai người có đính ước từ nhỏ. Sau khi trò chuyện, cuộc hôn nhân đã được tiến hành và Bột Nhi Thiếp nhận được chiếc áo lông chồn đen như là của hồi môn. Sau này, Thiết Mộc Chân đã sử dụng chiếc áo này để kết nối với một bộ tộc liên minh.
Ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách liên minh với bạn của cha mình là Thoát Lý (hay còn gọi là Vương Hãn, một thủ lĩnh ở thảo nguyên) và mối quan hệ được tăng cường khi ông cần sự hỗ trợ để giải cứu Bột Nhi Thiếp, cùng với sự trợ giúp của nguời bạn thuở thơ ấu, Trát Mộc Hợp.
Trải qua điều kiện sống khắc nghiệt, Thiết Mộc Chân từ nhỏ đã sớm hiểu rằng liên minh là một phần rất quan trọng để giúp ông xây dựng quyền lực chính trị, tập hợp và thiết lập nên một đội quân trung thành, tinh nhuệ và thiện chiến.
Thành Cát Tư Hãn (Thiết Mộc Chân) đã sớm nhận ra liên minh là một phần quan trọng giúp ông gia tăng sức mạnh chính trị và quân sự. Ảnh minh họa
Sự liên minh giúp tăng cường hơn về sức mạnh chính trị và quân sự. Đó là lý do Thiết Mộc Chân, người được suy tôn là Thành Cát Tư Hãn, lại có thể thống nhất được các bộ lạc Mông Cổ vào năm 1206.
Khác với các chính trị gia khác, Thiết Mộc Chân có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh và ông đã rút ra được nhiều bài học về nghệ thuật chiến tranh trên thảo nguyên, từ nghệ thuật chỉ huy, cách kiểm soát cho tới chiến thuật, chiến lược.
Khác với người bạn Trát Mộc Hợp và sau này trở thành địch thủ, Thiết Mộc chân đã không tìm cách xây dựng tổ chức chính trị và quân sự của ông dựa trên tình trạng của bộ lạc mà thay vào đó là công trạng của mỗi cá nhân.
Thiết Mộc Chân có cách tổ chức quân đội, thưởng phạt, luận tội khác lạ so với các vị thủ lĩnh trước đó. Ảnh: Internet
Sự khác biệt này đã cho phép Thiết Mộc Chân có cơ hội khai thác và tập hợp được tài năng, phẩm chất, khả năng chiến đấu của các chiến binh, những người từng mệt mỏi và chán nản với các thủ lĩnh của họ trên thảo nguyên. Bên cạnh đó, ông còn có nhãn quan nhạy bén, và rất biết cách trọng dụng các nhân tài, cho dù người đó từng là kẻ thù của mình.
Trước khi làm chủ được một lãnh thổ rộng lớn và được gọi là Thành Cát Tư Hãn, cậu bé Thiết Mộc Chân ngày nào đã phải chịu nhiều khổ cực và mất mát. Ông hiểu rằng thất bại có thể dẫn tới chiến thắng, miễn là kẻ thua cuộc học được những gì từ sai lầm của mình.
Không những vậy, Thành Cát Tư Hãn còn luôn học cách để chiến đấu một cách thông minh hơn, khắc phục trở ngại khó khăn để giành được chiến thắng mà ít phải chịu tổn thất nhất.
Làm chủ "trò chơi chiến tranh": Cách tổ chức quân đội độc đáo của Thành Cát Tư Hãn
Quân đội Mông Cổ được Thành Cát Tư Hãn tổ chức không quá phức tạp nhưng mang lại hiệu quả chiến đấu rất cao. Cụ thể, ông tổ chức quân đội thành các nhóm cơ số 10, bao gồm arban (thập hộ) gồm 10 binh lính, 100 là một zuun (bách hộ), 1.000 gọi là một myangan (thiên hộ), và 10.000 là một tumen (hay vạn hộ).
Quân đội của Thành Cát Tư Hãn có khả năng chiến đấu tuyệt vời, đặc biệt là sở hữu kỹ thuật bắn cung thiện xạ. Ảnh: Ancientorigins
Đặc biệt, mỗi nhóm binh lính đều có một vị thủ lĩnh chịu trách nhiệm báo cáo với cấp trên (từ thập hộ tới bách hộ,...và đến tận tumen). Kỷ luật trong đại quân Mông Cổ là kỷ luật thép, cấp dưới phải tuân theo lệnh của cấp trên. Trong lúc thiết lập các đơn vị, người ở các bộ lạc được trộn lẫn với nhau để tránh thông đồng phản loạn.
Cơ cấu tổ chức trong đại quân Mông cổ khi tham chiến được chia thành ba quân đoàn, bao gồm cánh phải, cánh trái và trung tâm. Người đứng đầu là Đại hãn, phụ trách ra lệnh cho ba người chỉ huy phụ trách ba tumen.
Chính nhờ cách thức tổ chức cùng cơ cấu mệnh lệnh này đã tạo ra một sự mềm dẻo cao, giúp đại quân Mông Cổ có thể linh hoạt khi tấn công ồ ạt hoặc chia nhỏ để bao vây, dụ kẻ thì vào trong vòng mai phục, hoặc tấn công, ngăn chặn các tàn quân đang trốn chạy.
Vào thời kỳ Hốt Tất Liệt trở thành Đại hãn của Đế quốc Mông Cổ, Macro Polo, nhà thám hiểm gốc Venezia, người từng có cơ hội chứng kiến kỹ thuật tấn công độc đáo của người Mông Cổ, cho biết, cách tổ chức quân đội của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn được sử dụng và ít thay đổi.
Đáng chú ý là dường như hiệu quả của cách thiết lập này giúp các nhóm quân truyền đạt thông tin, mệnh lệnh và dễ dàng thay đổi linh hoạt khi chiến đấu hơn. Điều này cho phép đại quân Mông Cổ có thể nhanh chóng thay đổi dựa theo các chiến thuật của chỉ huy trong các trận chiến dày đặc, số lượng quân địch đông đảo.
Với một quân đội lớn như vậy, mỗi binh lính Mông Cổ đều phải đảm nhận một số nhiệm vụ nhất định trong doanh trại.
Chẳng hạn, một số phụ trách chuyên chở cung tên, số khác lại đảm nhận về lương thực và đồ uống, trong khi đó, những người khác thì chịu trách nhiệm chăm sóc cho những con cừu và ngựa trên đồng cỏ, vận chuyển các vũ khí khác, quan sát tình hình quân địch,.... Những binh lính có thể được luân chuyển giữa các nhiệm vụ một lần trong khoảng 1-2 tuần.
Cách tổ chức quân đội độc đáo giúp cho các bộ lạc Mông Cổ hợp thành một, trở thành một khối thống nhất, có liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn, rất khăng khít nhưng cũng dễ dàng linh hoạt trong từng trận chiến.
Cưỡi ngựa thành thục khi tham chiến đã là một trở ngại, nhưng những cung thủ Mông Cổ còn có khả năng bắn tên thiện xạ đáng sợ. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, những binh lính Mông Cổ cũng được thường xuyên tham gia vào quá trình đào tạo, rèn luyện khả năng chiến đấu, sự linh hoạt và nhạy bén như thi bắn cung, cưỡi ngựa, đi săn,....
Nhờ vậy, đại quân của Thành Cát Tư Hãn sở hữu một lực lượng cung thủ thiện xạ, có thể bắn tên chính xác cách xa hàng trăm mét ngay cả khi quay lưng. Khả năng chiến đấu đáng sợ này giúp quân Mông Cổ rất có lợi thế khi chiến đấu ở khoảng cách xa và tiến hành vây hãm.
Binh lính Mông Cổ còn có thể sử dụng được nhiều loại vũ khí như kiếm lưỡi cong, dao găm, búa,... Mỗi người được trang bị từ 4-6 con ngựa nên cho phép họ có thể chiến đấu, di chuyển dài ngày mà không mệt mỏi.
Mặt khác, ý chí sinh tồn và chiến đấu của các binh lính trong đại quân của Thành Cát Tư Hãn cũng rất kiên định. Họ có thể sinh tồn trong nhiều ngày với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi chỉ cần uống máu ngựa và ăn thịt bò Tây Tạng khô.
Không chỉ là "bậc thầy" về cách tổ chức quân đội, Thành Cát Tư Hãn còn rất giỏi trong việc làm chủ chiến thuật chiến tranh tâm lý. Ông và các vị tướng tài ba của mình đã có nhiều chiến lược độc đáo cũng như áp dụng những công nghệ, phát minh, góp phần giúp đại quân Mông Cổ liên tiếp gặt hái được thắng lợi trên hành trình chinh phạt khắp Âu-Á.
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206.
Vị Khả hãn Mông Cổ này được coi là một trong những nhà lãnh đạo, nhà quân sự lỗi lạc và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử thế giới.
Ông luôn được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất. Lãnh thổ Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn trị vì trải rộng từ Á sang Âu, bao gồm nhiều khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hungary, Đông Âu,...
Tham khảo nguồn: Ancientorigins, Historyonthenet