Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch năm 2015 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP có một số nội dung mới đang chú ý. Trong đó, việc bổ sung hướng dẫn về nội dung khai sinh nhận được sự quan tâm từ dư luận.
Theo đó, trong nội dung khai sinh thì việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Ảnh minh họa. Internet
Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo cha hoặc mẹ.
Đến thời điểm hiện tại, việc đặt tên không có quy định cụ thể. Nhiều người tên quá dài, dẫn đến việc khi làm giấy tờ tùy thân, bằng lái xe phải viết tắt chữ đệm. Thậm chí, một số cá nhân đã phải xin đổi tên vì tên quá dài dẫn đến việc không thể đăng ký một số dịch vụ như làm thẻ ngân hàng.
Theo Thanh niên, ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết việc đặt tên cho trẻ từ trước tới nay chưa có quy định phải đặt bao nhiêu ký tự hay bao nhiêu từ, hướng dẫn cụ thể thế nào là tên không phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam cũng chưa có.
Do đó, có những trường hợp người dân đến đặt tên cho con gồm 10 chữ, cán bộ hộ tịch nói không phù hợp nhưng nếu người dân hỏi căn cứ nào là không phù hợp thì không biết trả lời ra sao, mà chỉ có thể khuyên họ nên chọn một tên ngắn cho phù hợp hơn.
Quy định mới đặt ra để việc đặt tên trẻ phù hợp, đúng pháp luật và tránh những rắc rối cho trẻ sau này.