Chủ quán bún mắng, cháo chửi thẳng thừng tuyên bố sẽ không thay đổi "phong cách". Bởi họ cho rằng, Hà Nội làm sao mà "xử" được nạn văng tục!
[mecloud]kwlFXwinYB[/mecloud]Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở VHTT&DL, Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Đây là một chủ trương được đánh giá là đúng đắn để hướng tới một Thủ đô hiện đại văn minh. Tuy nhiên, việc xử lý ra sao, xử thế nào, làm thế nào để xử lý đang là câu hỏi nan giải? Liệu chủ trương này rơi vào quên lãng như một số chủ trương mà trước đó Hà Nội cũng từng tuyên bố "phạt nặng" hay không?
Những người văng tục, chửi bậy ở Thủ đô hiện nay không phải hiếm. Thậm chí một số hàng quán ăn nhờ việc “chửi, mắng” mà trở thành thương hiệu hút khách.
Một ngày kì lạ trong quán bún chửi?
Nằm tại số 41 Ngô Sĩ Liên (Văn Miếu – Đống Đa – Hà Nội) quán bún dọc mùng giò - lưỡi của bà Hán Kim Thảo (60 tuổi) được nhiều người gọi là “quán bún mắng”.
Quán "bún mắng" nổi tiếng tại phố Ngô Sĩ Liên. |
Sở dĩ quán có biệt danh như vậy là do việc các thượng đế đến đây thường xuyên phải nghe những câu mắng chửi từ bà chủ quán. Tuy nhiên, lạ lùng thay, chủ càng mắng, khách càng đến đông cứng.
Theo thông tin chia sẻ từ chính những nhân viên trong quán, khoảng thới gian 12h trưa là lúc bà Thảo sẽ nổi cơn lôi đình với khách – và khi đó các thượng đế sẽ ăn đủ các thứ ngôn từ phát ra từ miệng bà chủ quán. Nhẹ nhàng nhất cũng là: “Ăn bún gì, tìm chỗ ngồi đi, ăn xong rồi thì biến… Nói gì nói lắm thế, không ăn thì biến, bà cô, ông hoàng, không bán…”
Nhiều thực khách chia sẻ tin tức, sau bữa ăn độc lạ ấy họ càng hứng thú và ấn tượng về quán ăn này hơn. Một vị khách nam có mặt trong quán chia sẻ: "Nhiều lúc nghe câu chửi mắng của bác cũng rất hay, lâu không qua thì thấy... nhớ."
Giữa lúc 12h trưa, khách kéo đến ăn trong quán từ tầng 1 đến tầng 2 đông nghẹt. Trái hẳn với không khí các quán ăn khác, dù đông trong quán "bún chửi" thực khách lại rất trật tự.
Tuy nhiên trưa 23/6, lại là một ngoại lệ khi tại đây nhiều người không còn bắt gặp một vẻ mặt vui vẻ nói cười từ bà chủ quán. Việc bất thường cũng khiến nhiều thực khách không thoải mái đặt câu hỏi liệu “thánh chửi” đã biết sợ trước đề xuất của chính quyền?
Một nhân viên bán hàng tại quán nói nhỏ: “Hôm nay có lẽ vì mát trời nên bà ấy không nói gì chứ đôi lúc bực tức bà mắng khách xa xả nhưng không có ác ý gì nên mọi người cũng tỏ ra bình thường”.
Chủ quán bún chửi-bà Thảo có những hôm rất hiền lành |
Sau một hồi thuyết phục, bà Thảo chia sẻ: quán ăn này được bà mở từ hàng chục năm trước, khi bà mới chuyển từ quê (Thường Tín) lên. Sở dĩ đông khách theo bà là bởi có bí quyết nấu ăn riêng.
Trần tình về việc chửi mắng khách, bà Thảo tâm sự thật thà: Sở dĩ có việc đó là do áp lực công việc và phần nhiều là do tính khí khác người của bà.
"Tính tôi sớm nắng chiều mưa tối bão, nên những lúc nóng giận thì có quát tháo, mắng chửi khách hàng. Làm nghề này không khác gì làm dâu trăm họ nên hầu như việc chế biến để hợp miệng khách tôi phải tự tay làm hết. Mỗi ngày quán tiếp cả trăm lượt khách ra vào, có lúc bực tức trong người nên nói hơi nặng lời. Đó là tính cách của tôi rồi nhưng bụng dạ không có ý gì cả. Khách đến ăn toàn khách quen nên hầu như ai cũng hiểu và thông cảm”, bà Thảo chia sẻ.
Bà Thảo cũng cho biết, lời mắng chửi của mình xuất phát từ lúc nóng giận chứ không hề mang mục đích gì. Nói về việc Hà Nội sẽ phạt những người văng tục chửi bậy, bà này bình thản nói: "Việc xử lý thế nào tôi không quan tâm và sẽ không thay đổi”.
Chủ quán cháo chửi: Người chửi bậy chưa chắc đã xấu
Quán cháo bà Mỹ tại phố Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cũng được mang danh là "cháo chửi". Bà Vũ Kim Ngọc (61 tuổi) hiện là chủ của quán cháo này cho biết: Biệt danh đó bắt nguồn từ nhiều năm trước khi mẹ bà là cụ Mỹ (79 tuổi) còn đứng quán. Vì quá đông khách nên bà Mỹ sinh bực tức.
Quán "cháo chửi" tại phố Lý Quốc Sư. |
“Khách hỏi nhiều quá nên dù vẫn còn cháo nhưng vẫn bảo đi đi, hết cháo rồi hay bảo khách tự tìm chỗ mà ngồi thậm chí còn nói "ăn rồi thì biến"", bà Ngọc cho hay.
Theo tin nhanh bà Ngọc, việc người nói bậy đôi khi chưa phản ánh đúng bản chất của người đó. Đôi khi bực tức có thể khiến người ta có những thói quen chưa chuẩn và văng một vài câu nói tục, cái đó thì cũng nên sửa và phải sửa.
Chủ quán "cháo chửi" ở Hà Nội |
"Theo tôi, những người như vậy thì thường tính tình thẳn thắn bộc trực và rất thương người, không có mưu thâm kế độc như nhiều người khác…" - Bà Ngọc nói.
Cũng theo chủ quán bún chửi, việc thay đổi cách ứng xử, ngôn ngữ của lớp người như mẹ bà là rất khó và bà cũng không tin việc xử phạt sẽ thay đổi được.
Bà Ngọc thẳng thắn nói: "Tôi nghĩ chủ trương phạt người nói tục, bậy không thiết thực, không thực tế… Nếu chỉ để trưng biển, mà không có những biện pháp đi kèm thì sẽ không cải thiện được vấn đề".
Nhiều quy định chỉ để... cho vui
Liên quan đế vấn đề này, trao đổi với PV báo Người đưa tin, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Được sống trong một xã hội trật tự, kỉ cương, một một môi trường văn minh, lành mạnh, con người thanh lịch, có văn hóa là điều ai cũng muốn. Thế nhưng, để đạt được điều này, có nhiều việc cần phải làm hơn là tập trung vào xử lý vấn nạn nói tục chửi bậy nơi công cộng.
“Trên thực tế, hiện nay đã có nhiều quy định nhằm mục đích xây dựng một xã hội văn minh. Tuy nhiên việc thực hiện những quy định này còn chưa được quan tâm.
Ví dụ quy định xử lý người tiểu tiện, đại tiện nơi cộng cộng; quy định xử lý gia súc, gia cầm, động vật phóng uế bừa bãi; quy định xử lý hành vi gây mất vệ sinh chung; quy định xử lý hành vi vận chuyển rác thải làm rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh; quy định xử lý hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố…
Những hành vi trên chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày, hàng giờ, vậy nhưng có mấy khi bị cơ quan chức năng xử phạt.”
Tôi nghĩ rằng chưa cần phải ban hành thêm bất cứ quy định nào nữa trong lĩnh vực này mà chỉ cần thực hiện tốt các quy định sẵn có là người dân đã có thể được sống trong một môi trường văn minh lắm rồi.” – Luật sư Thanh kết luận.
Nhất Nam