Thông tin mới nhất trên báo Vietnamnet cho hay chiều ngày 23/3, hàng trăm người từ các tỉnh vẫn đổ dồn về chùa Ba Vàng để vãn cảnh và công đức.
Mặc dù vậy, theo chia sẻ từ phía người dân, so với thời điểm trước, những ngày gần đây sau thông tin việc chùa Ba Vàng truyền bá "vong báo oán" để trục lợi được báo chí đăng tải thì số người đến chùa Ba Vàng đã giảm.
Chùa Ba Vàng bất ngờ ngừng "thỉnh vong và cúng oan gia trái chủ" trước "tâm bão" dư luận. Ảnh: Dân Trí
Theo chia sẻ của ông Khảm (SN 1959, TP. Uông Bí), xe ôm trước cổng chùa "Ngày trước, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc các ngày lễ, Tết khách đến chùa nườm nượp. Vào dịp Tết, đoạn đường dẫn vào chùa thường xuyên tắc nghẽn.
Đợt cao điểm, tôi chạy xe ôm không hết việc đưa người từ ngoài đường quốc lộ vào chùa Ba Vàng. Thời điểm đó, tôi kiếm được 2 triệu đồng/ngày nhưng 3 hôm nay chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng".
Theo chia sẻ của Ban tri khách của nhà chùa, hiện chùa Ba Vàng đã dừng việc gọi cúng "oan gia trái chủ".
Dân Trí cho biết liên quan đến hoạt động "thỉnh vong và cúng oan gia trái chủ" diễn ra tại chùa Ba Vàng khiến dư luận xôn xao, tối ngày 22/3, TP Uông Bí xác nhận Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn phúc đáp sau khi nhận được đề nghị của UBND TP. Uông Bí trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng.
Theo đó, Ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trong nghi lễ truyền thống Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam, khi thực hiện nghi lễ cho vong linh người đã mất có các nghi thức như sau: Tiếp Linh, Cúng Phật, Cúng Tổ, Triệu Linh, Tụng Kinh Cầu Siêu, Chúc Thực.
Ban Trị sự cho hay do không được chứng kiến hoạt động "thỉnh vong" và "cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng nên cơ quan này chưa biết hình thức và nội dung thực hiện như thế nào.
Cũng theo công văn này,Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định khác của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm.
Đối với bà Phạm Thị Yến, các hoạt động của bà Yến cũng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm.
Theo chia sẻ của luật sư Trần Xuân Tiền ( (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): "Nếu các hoạt động như ‘thỉnh vong’, gọi hồn tại chùa Ba Vàng kiểu như: Ai muốn thoát nạn thì phải 'trả nợ' cho ‘vong’ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa... được chứng minh là thật thì đây đều là hoạt động mê tín dị đoan, nhằm trục lợi.
Nếu đúng là có các hành vi truyền bá ‘vong báo oán' ở để thu tiền thì điều đó đã cấu thành các tội hành nghề mê tín, dị đoan và cưỡng đoạt tài sản".
Theo khoản 2-3 Điều 320 Bộ luật Hình sự, hành vi này hoàn toàn có thể sẽ bị khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan.