Vẫn biết tha hương cầu thực là điều khó khăn nhưng vì kế sinh nhai nên chị Trang vẫn phải đánh đổi những năm tháng còn sức lao động.
Đã từ rất lâu, giúp việc gần như trở thành một cái nghề, một kế sinh nhai cho những phụ nữ ở quê không có việc làm ổn định phải lên thành phố bươn chải. Bước chân tới một nơi hoàn toàn xa lạ và mới mẻ cũng có nghĩa là các chị giúp việc phải tự thuê nhà bằng đồng lương ít ỏi sau đó chỉ chia cho bản thân chi dùng và còn lại thì gửi về quê nhà, nơi có những con người đang hàng tháng chờ đợi khoản tiền đó. Nhưng cái nghề dùng sức, ráo mồ hôi là hết tiền ấy thì thu nhập được đáng bao nhiêu, chưa kể có những lúc gặp phải khách hàng không ra gì lại còn bị quỵt cả tiền. Thêm nữa, cái cảm giác thay vì chăm lo cho tổ ấm của chính mình, nấu những bữa ăn ngon cho người thân của mình thì bây giờ lại phải toàn tâm toàn sức chăm sóc cho người ngoài nó mới thật buồn bã làm sao.
Ấy thế nhưng với nhiều người, làm giúp việc vẫn là một lựa chọn nghề nghiệp không thể tốt hơn. Vậy là những mảnh đời từ quê lên phố ấy lại vẫn bám trụ với công việc tự do này vì ít ra nó cũng giúp họ giữ lại cái bản năng bếp núc nhà cửa vốn lúc nào cũng sẵn có ở trong tâm.
Chị Trần Thị Trang (sinh năm 1983, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) hiện đang là một giúp việc tự do. Chị tới làm việc theo yêu cầu của chủ nhà và nhận tiền lương theo giờ. Chị đã làm nghề này được vài năm nay và cũng cho chị chút thu nhập ổn định để gửi về quê nuôi 3 đứa con nhỏ và người chồng phải nằm viện vì mất sức sau khoảng thời gian đi làm thuê bốc vác. Ấy thế nhưng cuộc đời nào có phẳng lặng, những nhọc nhằn chị phải chịu khi đi làm cộng với việc có lúc bị khách hàng quỵt tiền đang đẩy chị vào những suy nghĩ cùng cực không lối thoát.
Chị Trang làm nghề giúp việc đã 3 năm và có rất nhiều trải nghiệm về nghề.
Những tâm sự của chị về cái cảnh xa nhà đi làm thuê khiến ai nghe xong cũng cảm thấy nghẹn ngào.
Thu nhập 7 triệu/tháng, nhọc nhằn một mình gánh vác 5 miệng ăn
Làm nghề giúp việc đã 3 năm nay và khởi đầu là nhân viên chính thức của một công ty chuyên cung cấp nhân lực giúp việc, chị Trang đã trở thành giúp việc tự do. Chị xin nghỉ để vì môi trường cũ không linh động về thời gian, lại dễ bị trừ lương nếu như khách hàng đánh giá không tốt. Hiện tại, chị đang làm giúp việc theo giờ với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, nuôi những 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và chồng đang nằm viện vì mất sức vì lao động nặng nhọc.
"Mình đi làm mỗi ngày 9 tiếng, sáng chiều tối cho 3 gia đình khác nhau. Có những hôm phải làm thông cả trưa nhưng cũng có những ngày không có ca nào. Trước khi làm nghề giúp việc, mình cũng từng đi làm nấu ăn, tạp vụ nhưng sau khi sinh xong bé thứ 3, kinh tế khó khăn hơn nên mình chọn nghề giúp việc theo giờ để còn chủ động thời gian lo cho các bé. Bé lớn nhất nhà mình học lớp 2, bé thứ hai 5 tuổi và bé út đã 4 tuổi rồi. Các cháu hiện giờ đều gửi bà nội ở quê chăm sóc còn mình thì thỉnh thoảng mới về thăm.
Một mình chị Trang phải cáng đáng cả gia đình.
Các con chị phải chịu thiệt thòi không được ở cùng mẹ mà phải nhờ bà nội chăm sóc.
Trung bình thu nhập mỗi tháng của mình khoảng 7 triệu. Sau khi trừ tiền nhà, tiền ăn thì chỉ để ra được khoảng 5 triệu thôi. Tiền học của các bé thì dồn gửi vào đầu năm. Hàng tháng mình gửi bà nội 2 triệu tiền ăn cho các bé, còn lại là trang trải thuốc men cho bố bọn trẻ. Thỉnh thoảng nếu có khó khăn thiếu thốn thì các anh chị em họ hàng lại giúp đỡ.
Trước đây nhà mình cả hai vợ chồng cũng đi làm thì đỡ hơn nhưng từ khi anh xã phải nằm viện thì hoàn cảnh trở nên khó khăn. Các bé vì thế chế độ ăn uống cũng bị hạn chế không có sữa hay hoa quả gì, quần áo cũng chủ yếu là mẹ mang về từ các khách hàng cho những bộ đồ cũ còn dùng tốt mà thôi", chị Trang chia sẻ.
Nói như vậy cũng đủ thấy chị Trang hầu như chẳng chi tiêu gì cho bản thân mà dành hết tất cả để lo lắng cho gia đình. Với chị, mỗi ngày mới thức dậy lại vẫn đầy nỗi âu lo làm thế nào để cáng đáng cho hết.
Với thu nhập ít ỏi chỉ 7 triệu/tháng, chị Trang phải dè xẻn lắm.
Bản thân chị chẳng dám tiêu pha gì mà chỉ để dành gom góp gửi về quê cho chồng con.
Bị quỵt tiền mồ hôi nước mắt mà chỉ biết khóc thầm vì uất ức
Chị Trang coi trọng từng chút đỉnh tiền công nhận được từ tay khách hàng và tích cóp để gửi về quê cho gia đình. Chị bảo, chị tự thấy mình chăm chỉ, ai gọi làm chị đều không từ chối và tận dụng bằng hết thời gian mình có để làm việc. Chị chưa bao giờ nghĩ rằng công sức của mình sẽ bị khách hàng phủ nhận cho đến một lần bị quỵt mất gần 1 triệu đồng tiền công.
"Bình thường mình đã có khách hàng cố định hàng tháng nhưng hồi tháng 10 năm ngoái mình không may lại bị tai biến nhẹ, phải nghỉ một thời gian để ở nhà châm cứu nên khách quen lại phải tìm người mới để giúp việc cho nhà họ. Đến khi đi làm trở lại, mình được một người cùng công ty cũ tìm hộ cho một khách đang cần người dọn dẹp buổi tối với giá 50 ngàn/giờ với công việc chính là lau dọn nhà cửa và nấu cơm.
Làm việc nặng nhọc, thu nhập thấp đã đành chị Trang còn bị bệnh tai biến bủa vây.
Cũng may cho chị là chỉ bị tai biến nhẹ nên sức lao động vẫn còn.
Mình vốn tính thật thà nên khi đến làm đã ứng trước tiền để mua một số vật dụng thuận tiện cho việc dọn dẹp cũng như mua cả thực phẩm còn thiếu cho gia chủ. Bình thường thì khách hàng sẽ thanh toán tiền công cho mình ngay sau buổi làm nhưng với chị chủ nhà này thì mình làm đến 3 hôm mà không thấy chị ấy đề cập gì. Đến hôm sau nữa mình xin nghỉ về nhà giỗ mẹ đẻ và nói chị ấy thanh toán tiền công 3 ngày cộng với tiền mua đồ cho mình thì chị ấy nói sẽ trả sau nhưng sau đó lại viện đủ lý do nào là đi công tác xa các kiểu để từ chối trả tiền.
Tổng cộng số tiền chị ấy nợ mình là 840 ngàn đồng, cho đến bây giờ, sau vài tháng kẽo kẹt đòi, mình vẫn chưa nhận được và cũng không biết cách nào để đòi lại vì hai bên không hề có giao kèo, lại liên lạc qua phần mềm Zalo chứ không phải số điện thoại. Đến nay thì chị ấy chặn luôn tài khoản của mình luôn rồi.
Mình có lần tìm đến tận nhà với hi vọng có thể lấy lại số tiền nhưng gõ cửa thì không có ai ra mở nên mình lại ra về. Sự việc quả thật khiến mình rất buồn và thất vọng.
Không may mắn gặp phải người chủ không tốt, chị Trang bị quỵt số tiền khá lớn so với chị.
Giờ chị không biết làm cách nào để lấy lại 840 ngàn mồ hôi công sức đó cả.
Đúng thật là mình cũng có cái sai khi không giao hẹn rõ ràng với chủ nhà về chuyện dụng cụ, nước tẩy rửa, nhưng làm nghề giúp việc như mình nhiều khi cũng phải nghĩ thoáng ra một chút thì mới được. Các khách hàng khác thậm chí còn tin tưởng giao cả chìa khóa nhà và rất tôn trọng mình khiến mình đi làm rất thoải mái và tận tâm cống hiến cho họ".
Chị Trang cho hay số tiền 840 ngàn với nhiều người có thể không nhiều nhưng với chị nó là mồ hôi công sức mệt nhọc mới kiếm được cho nên cảm thấy rất tiếc. Chị cũng chẳng thể lúc nào cũng đến nhà để gõ cửa chờ người ta trả tiền vì bản thân còn phải làm ở những chỗ khác nữa để đảm bảo thu nhập hàng tháng. Chị thực sự rất bức xúc không chỉ bởi số tiền kia mà còn vì cảm giác bị coi thường và bóc lột sức lao động một cách quá đáng.
Chị thấy tủi thân vì bị bắt nạt.
Nỗi khắc khoải có nhà mà không được chăm lại đi vun vén tổ ấm nhà người
Vẫn biết rằng nghề nào trong xã hội cũng là nghề cao quý và đáng trân trọng nhưng đi làm giúp việc như chị Trang mới thấu hết sự tủi thân trăm bề. Theo lời chị, có những lúc mệt mỏi nhưng vẫn phải cố vì nếu dừng lại thì sẽ không có tiền trang trải cuộc sống. Thêm vào đó, cũng có khi chị gặp phải khách hàng "oái oăm" chẳng biết nói làm sao.
"Lúc trước đi làm ở công ty thì gặp khách hàng khó tính, họ đánh giá thấp thì vừa không được tính ngày công lại còn bị phạt. Bây giờ làm tự do thì nhiều hôm đi làm trời nắng nóng mà không được bật quạt, lau dọn vã mồ hôi khách hàng cũng chẳng mời cốc nước xong lại còn có những câu nói thiếu tôn trọng.
Nếu có hôm nào đó quá mệt mỏi, chị Trang sẽ phải nói khó với khách hàng xin làm bù.
Có những người thông cảm cho chị...
... nhưng cũng có một số khách hàng khó tính không đồng ý.
Bản thân mình không có quyền đòi hỏi gì ở khách hàng nhưng đôi khi cũng cảm thấy bị tổn thương nặng nề lắm. Những lúc như vậy mình chỉ biết im lặng thôi. Hồi mới đầu còn bị sốc nhưng bây giờ dần dần cũng quen hơn và vui hơn vì gặp được những chủ nhà tốt tính. Nhiều lúc mình ốm họ còn động viên, sinh nhật còn có quà tặng còn các bé nhà họ thì quý và coi mình như người nhà. Thậm chí ngày lễ Tết mình về quê họ còn gửi quà về cho các bé, chồng mình nằm viện cũng có người gửi tiền thăm nom.
Nhưng bù lại mình cũng phấn đấu hơn trong công việc, cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể và dù có làm thêm giờ một chút cũng chẳng tính công. Thỉnh thoảng về quê mình cũng có đem rau, chuối bánh ra biếu gọi là đặc sản quê hương nên họ rất thích. Mình nghĩ, con người sống với nhau đâu phải chỉ có mỗi đồng tiền mà còn cả chữ tình nữa, cho đi như thế nào thì sẽ nhận lại được như thế thôi".
Nhưng chị Trang cũng dần cảm thấy khá hơn lên vì gặp được người chủ nhà tốt tính.
Họ coi chị như người nhà nên rất tin tưởng giao cả chìa khóa cho chị giữ nếu có việc đột xuất.
Với những người làm nghề như chị Trang thì việc phải cố gắng hết sức cho gia đình người khác là nghĩa vụ, vì lẽ đó sẽ chẳng thể nào tránh được những giây phút chạnh lòng bởi bản thân các chị cũng có nhà nhưng tổ ấm đó phải nhường bàn tay chăm sóc của người phụ nữ cho một tổ ấm khác vì kế sinh nhai. Đặc biệt bữa cơm gia đình luôn cần sự quây quần thì giờ đây chị Trang phải lủi thủi ăn một mình sau khi hoàn tất mâm cơm cho nhà chủ.
Dẫu biết rằng vẫn được thực hiện thiên chức của người phụ nữ nhưng bản thân chị Trang và rất nhiều đồng nghiệp khác của chị vẫn thấy trống trải vô cùng. Nhìn con nhà chủ được bố mẹ vỗ về trong ngày sinh nhật, được đắm chìm trong quà tặng và những món ăn ngon mà lại thấy thương những đứa trẻ nhà mình quá.
Đôi bàn tay này đáng lý ra phải chăm lo cho gia đình thì nay phải tất bật với công việc nhà người khác.
Chị Trang và những người đồng nghiệp của chị đã luôn đau đáu nghĩ như vậy đấy.
Với các chị, dù cho tài năng nấu nướng của các chị có được gia chủ công nhận và khen nhiều đến thế nào đi chăng nữa thì trong lòng những người làm nghề giúp việc ấy vẫn chỉ thấy vui một nửa, còn một nửa vẫn cứ mong một ngày được về nhà và nấu những bữa cơm dù đơn giản nhưng ngon miệng và được quây quần bên chồng con.
Nhưng kế sinh nhai thì chẳng thể làm khác, chị Trang đành cứ phải bám trụ thành phố vì chỉ có nơi đây mới mang lại cho chị thu nhập.
Chị cứ làm như vậy chờ một ngày được trở về căn nhà ấm áp của mình và dành toàn bộ tâm sức để chăm lo cho chồng và những đứa con bé bỏng của chị.