Sau khi cha mẹ mất, cô bé sợ ma nằm co ro trong đống rơm, nhưng mỗi khi nghe tiếng súng lại ước ao được ra trận địa. Trong khái niệm thơ ngây của cô bé, cô chỉ khoái nghe tiếng súng giòn giã bắn vào những tên địch hung tàn, chứ không nghĩ được trận địa như nấm mồ chờ nuốt chửng những người xấu số.
Khi kịp nhận thức ra sự nguy hiểm, thì cô bé đã gắn mình với lý tưởng cách mạng, quên mình, quên tuổi thiếu niên.
Ba đứa trẻ run rẩy trong đống rơm
Qua rất nhiều câu chuyện của những người tham gia kháng chiến chống Mỹ, tôi chợt ấn tượng với câu chuyện của nữ thiếu niên 13 tuổi với biệt danh Loan "chính phủ". Tìm về căn nhà nhỏ ở tổ 25, ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM), nơi mà bao năm qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan sống thầm lặng, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Người phụ nữ với biệt danh Loan "chính phủ" đã bước qua tuổi 60, vẫn hồn nhiên như thời trẻ. Có lẽ mỗi người đều có góc khuất bi đát nào đó, nhưng nghe xong câu chuyện của bà Loan "chính phủ", thì mới thấy chẳng có gì là không thể vượt qua.
Bà Loan luôn nhớ về ký ức một thời máu lửa.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó có bốn anh em, bà được cha mẹ đặt cho cái tên Phạm Thị Cái. Người anh của bà Cái sớm thất lạc gia đình, đến năm bà Cái 12 tuổi thì mẹ mất. Năm bà 13 tuổi thì ba cũng đi theo mẹ, bỏ lại ba anh em bà côi cút.
Kể lại ký ức buồn trong nước mắt, bà ngẹn ngào: "Lúc ấy, nhà cửa có mà lạnh lẽo quá, bình thường có ba mẹ, tiếng nói ríu rít khắp cả nhà, nhưng khi ba mẹ mất, mấy chị em còn bé quá, chỉ khóc hoài. Tối đến, ba chị em không dám ngủ trong nhà mà ra ngoài đống rơm kéo rơm thành một lỗ rồi chui vào trong cho ấm. Gia đình chỉ còn lại người cô ruột, tuy nhiên gia cảnh cũng khó khăn nên không lo được cho ba chị em tôi. Sau buổi tối ở đống rơm, cứ sáng đến là cả ba chị em tôi tìm đến nhà hàng xóm, ai kêu làm gì thì làm nấy, cho ăn gì thì ăn nấy. Tối đến lại tìm về đống rơm để ngủ. Thời đó ở quê buồn lắm, mỗi lần nằm ở đống rơm, nghe tiếng súng đạn vang trời là tôi lại thèm được cầm súng, ra trận địa coi thế nào chứ chẳng biết đó là nơi nguy hiểm".
Cô du kích thấy tên Phạm Thị Cái với quá khứ buồn tủi, thì đặt lại tên là Nguyễn Thị Ngọc Loan. ít ngày sau, cô du kích đưa bé Loan đi tuyển quân, mà lúc bấy giờ Loan chỉ bé như cái kẹo ai mà dám tuyển. Nhìn các anh chị được lên bục tuyển quân, Loan đứng dưới ấm ức. Đến lúc các anh chị đưa quà xuống cho, cô bé Loan giận dỗi không nhận. Sau ngày tuyển quân, cô du kích đưa Loan qua địa phận Bình Ninh thì gặp giặc càn. Lúc này, cô du kích bảo bé Loan hãy chạy theo dân rồi lát sẽ có người nhận ra đưa về. Loan nghe lời mặc dù trong lòng lo lắng lắm. Sau khi giặc càn qua, đúng như cô du kích nói, có người trong đoàn du kích nhận ra bé Loan đang ngơ ngác chờ đợi. Mọi người trong đoàn du kích thấy bé Loan nhỏ quá, họ bàn nhau đưa bé Loan về R (miền Đông). Mọi người bảo về R có nhà lầu, xe hơi tha hồ mà chơi, nên Loan khoái lắm, gật đầu đồng ý.
"Ra trận địa, chết cũng vui"
Đoàn du kích đưa Loan về Đồng Tháp Mười cho nhập vào đoàn giao liên. Tuy nhiên do quá nhỏ nên đoàn giao liên không dám nhận Loan. Mấy cô trong đoàn du kích lúc này cũng chẳng biết làm sao, gửi Loan cho dân thì cũng không được, liền nghĩ ra cách đưa cô bé về đơn vị 514 (của Đồng Tháp Mười, bộ đội địa phương). ở đây họ cũng chê bé Loan nhỏ, không nhận. Cực chẳng đã, đoàn du kích đưa bé Loan vào rừng. Mấy anh du kích dặn bé Loan khi vào rừng thì không được phát ra tiếng động, trừ đoàn du kích còn bất cứ ai gọi cũng đừng có ra. Đến chiều mấy anh du kích sẽ về đưa bé Loan ra để vào trong dân. Có những buổi nước lớn lên đến gần cổ, bé Loan vẫn phải chịu đựng, không dám cãi lệnh mấy anh du kích mà rời vị trí.
Qua một năm được sự bao bọc của đoàn du kích, cô bé Loan bắt dầu quen dần với súng đạn. Lúc này cô trở nên gan dạ lạ thường. Thấy bé Loan vẫn chưa đủ tuổi để đi đánh giặc, nhưng nghĩ để ở lại trong dân thì sẽ bị lộ nên đoàn du kích một lần nữa quyết định đưa Loan đến đoàn giao liên để xin đưa cô bé về R. Động viên mãi mà cô bé Loan vẫn không chịu đi đến nỗi các anh phải hứa "bé Loan cứ về R, đặng mai mốt các anh lên rước". Cô bé Loan tỏ vẻ giận dỗi nhưng vẫn nói: "Nếu các anh phải đưa em đi thì đi liền bây giờ". Loan còn bảo cho hết vào ba lô cô đeo nào là gạo, mì... nặng trĩu. Loan chỉ đi được chừng mười thước rồi ngồi sụp xuống, thở hổn hển. Mấy anh chị trong đoàn ai nấy cũng cười, thương cô bé mồ côi tội nghiệp.
Tuy cô bé Loan háo hức là thế, nhưng chỉ được một chặng đường ngắn thì năm lần bảy lượt đòi nghỉ. Thấy thế mấy anh chị trong đoàn ai cũng cười, rồi các anh thay nhau cõng Loan đi. Đoàn hành quân đến bìa rừng thì lúc này trời nhá nhem tối. Ngay lúc ấy, giặc đột nhiên càn qua khiến cả đoàn phải tìm cách xuống hầm bí mật để núp, chỉ có bé Loan là liều lĩnh đòi ở trên với lý do "xuống hầm ngợp lắm".
Xuống hầm mà bé Loan vẫn đòi trồi lên trên để xem giặc làm gì, khiến các anh du kích phải giữ nắp hầm thật chặt. Giặc vừa càn qua, đoàn du kích liền đưa bé Loan ra khỏi hầm rồi vội vã chạỵ, tránh trường hợp gặp giặc càn trở lại. Cực chẳng đã, hai anh du kích mỗi người xách một bên nách bé Loan chạy đi.
Về tới R cũng đông người, nhưng khung cảnh dường như quá xa lạ với bé Loan. Lúc này mọi người trong đoàn du kích bàn nhau đưa Loan về Trung ương đoàn vì Loan quá nhỏ không thể ra trận địa được. Cô bé liền thay đổi sắc mặt, buồn bã.
Thấy thế, cô du kích tên Đẹp liền bảo với mấy anh du kích khác: "Thôi đưa nó đi theo chứ ở đây xa lạ nó chịu không nổi đâu. Nó nhỏ thì cho làm giao liên từ tiểu đội này qua tiểu đội kia, trung đội này qua trung đội kia vậy, mai mốt nó lớn rồi tính". Chỉ chờ có thế Loan liền nhảy xổ ra năn nỉ các anh chị cho đi theo. Cô bé bảo: "Các anh chị cho em đi với, ra trận địa mới vui, ở đây buồn lắm. Được ra trận địa, chết em cũng vui". Mọi người trong đoàn ai cũng rơm rớm nước mắt, thương cho cô bé ngây thơ, dại dột chưa hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh, trận địa máu lửa.
Ra trận Khi ra trận địa tháng 4/1965, Loan lúc ấy 15 tuổi, được vào lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam - đội Thanh niên xung phong 198 Thành Đồng. Lực lượng này có nhiệm vụ làm hậu cứ cho những anh bộ đội đánh giặc. Loan bắt đầu làm quen với việc tải đạn, tải gạo, cứu thương binh, chôn bộ đội hy sinh... ở ngay chiến trường bom đạn mịt mù. |
(Còn nữa)
Theo Người đưa tin