Tin mới

Chuyện gia đình "khùng" trông hàng vạn chim trời suốt 3 thế hệ

Thứ sáu, 20/02/2015, 20:51 (GMT+7)

Với gia đình anh Vũ Văn Ngân ở Yên Thành (Nghệ An), đàn cò như con trong nhà, thiếu đàn cò là thiếu đi sự vui vẻ, mất đàn cò là gia đình không hoàn thành được sứ mệnh ông bà tổ tiên giao cho.

Với gia đình anh Vũ Văn Ngân ở Yên Thành (Nghệ An), đàn cò như con trong nhà, thiếu đàn cò là thiếu đi sự vui vẻ, mất đàn cò là gia đình không hoàn thành được sứ mệnh ông bà tổ tiên giao cho.

Hơn 50 năm nay, một gia đình 3 thế hệ ở xã Lý Thanh, huyện Yên Thành (Nghệ An) thay nhau trông giữ đàn cò hàng ngàn con cò trú ngụ trong khu vườn nhà rộng hơn 2ha. Anh Vũ Văn Ngân là đời thứ ba tiếp quản chăm nom đàn cò này. Anh luôn hy vọng, một ngày nào đó đàn cò sẽ thành biểu tượng cho vùng quê lúa của anh.

Chia sẻ trên Khám phá, ông chủ vườn cò với số lượng “khủng” Vũ Văn Ngân cho biết: “Người dân ở cái làng này, ai cũng goi tôi là "Ngân khùng", "Ngân dở hơi" vì trong khi người ta kiếm thêm thu nhập từ việc đi săn cò, tôi lại mất tiền đi chăm đàn cò lạ kia. Nhưng mà vợ chồng tôi bỏ ngoài tai hết, đàn cò là "duyên mệnh" của gia đình đã ba đời nên chúng tôi quyết tâm giữ đàn còn bằng mọi giá”.

 

Anh Ngân và đàn cò lạ. (Ảnh: Khám phá)

Anh Ngân cũng cho biết, không có tài liệu nào ghi lại đàn cò xuất hiện từ năm nào, chỉ biết ông nội kể về cò từ trước những năm 1960. Lần đầu tiên đàn cò xuất hiện chỉ vài trăm con, sau đó đến hàng chục nghìn con và tiếp tục phát triển. Chủng loại cũng đa dạng, nhiều nhất là cò trắng, tiếp đó là vạc, sếu và một số ít chim chóc. Vào mùa sinh sản tháng 3-4 âm lịch, cò tập trung về nhiều nhất, lên đến vài chục nghìn con. Đến giờ, chúng đã gắn bó với ba thế hệ nhà anh.

Đến đời anh Ngân, vợ chồng con cái vẫn thực hiện những lời cha mẹ, ông bà dặn dò, chưa bao giờ họ bắt hay bán dù chỉ một con. Vào mùa mưa bão, cò mẹ lẫn cò con rơi xuống gốc cây, anh Ngân và vợ phải đội mưa, đội gió chạy ra khu vườn đưa cò vào nhà sưởi ấm, chăm đến khi khỏe mạnh mới cho nhập đàn trở lại.

Chị Phan Thị Ánh (vợ anh Vũ Văn Ngân) chia sẻ trên báo VnExpress, từ lúc lấy chồng về làm dâu được vài chục năm, những hình ảnh ảnh chiều tà, cò gọi nhau trở về, nửa đêm tiếng cò gáy đã trở thành âm thanh quen thuộc. “Bây giờ đi đâu xa nhà một ngày là tôi thấy khó chịu, lo lắng vì không được thấy đàn cò”, chị Ánh nói.

Tuy nhiên, điều khiến vợ chồng anh Ngân lo lắng nhất là tình trạng săn bắt cò. Mặc dù vợ chồng anh luôn giải thích, khuyên can những người có ý định săn bắt, nhưng vẫn không thể tránh khỏi. 2 năm trước, trong một lần anh vắng nhà, đàn cò bị nhóm người lạ dùng súng hạ hàng chục con. Sau lần truy sát đó, cò bỏ đi khá nhiều và gần đây mới quay trở lại đông đúc. Cũng vì giữ cò mà có lần anh Ngân to tiếng, suýt ẩu đả với những người săn bắt.

Gia đình anh Ngân đã nhờ chính quyền địa phương vào cuộc chung tay bảo vệ đàn cò, nhưng họ lúng túng vì chưa có một cơ chế nào về việc bảo vệ đàn cò tự nhiên như vậy. Chính quyền cũng chỉ có thể động viên gia đình cố gắng nuôi giữ đàn cò.

Tết đến, gia đình anh Ngân phải lo nhiều việc hơn. Ngoài việc lo sắm sửa cho Tết, anh Ngân còn phải “lên kế hoạch” bảo vệ đàn cò. Vì, đàn cò sợ nhất là âm thanh của tiếng pháo, tiếng súng. Tết đến, hàng xóm Bắn pháo hoa nhiều, đàn cò sợ hãi bay đi hết. Năm nào nhà anh cũng mất ngủ, lo lắng cho đàn cò mỗi khi tiếng pháo tết vang lên.

 

Hàng nghìn con quây tụ lại vườn nhà, mỗi lần cò về ngủ lại tiếng cò vang thét cả khu vực. (Ảnh: Khám phá)

Kinh tế gia đình anh cũng không mấy khá giả, để nuôi hai con ăn học ngoài làm ruộng, anh Ngân mở thêm quán sửa xe máy, xe đạp gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Gần chục năm trước, có người ở tỉnh khác tìm tới nhà đặt vấn đề mua lại cơ ngơi kèm theo khu vườn cò với giá cả tỷ đồng, nhưng vợ chồng anh không bán vì xem cò là đàn con của mình, thiếu đàn cò là thiếu đi sự vui vẻ, mất đàn cò là gia đình anh Ngân đã không hoàn thành sứ mệnh ông bà tổ tiên giao cho.

“Họ có trả bao nhiêu thì vợ chồng tôi cũng không đồng ý. Đây là lộc trời gửi tại gia đình mình qua mấy thế hệ nên tôi phải kế tục ông cha để làm tròn nghĩa vụ. Chỉ mong cò mỗi ngày một sinh sôi và không bị ai phá hoại”, anh Ngân chia sẻ trên báo Vnexpess và cho biết thêm, hàng năm vợ chồng đều mua thêm bạch đàn, trồng thêm tre nứa để cò có chỗ ở.

Anh Ngân chỉ có một nỗi lo là nếu sau này vợ chồng anh già đi, nhà lại ít người, thì anh không biết phải bảo vệ đàn cò như thế nào. Nếu người dân ở xã này ai cũng hiểu cho anh Ngân, chăm đàn cò với cùng gia đình thì tuyệt vời biết bao.

Từ khi bắt đầu đến nay, không biết bao nhiêu thế hệ cò đã sinh sống tại khu vườn này, thế nhưng sứ mệnh chăm cò của ba đời nhà anh Ngân vẫn hàng ngày được thực hiện chu đáo.

PV (T.H)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Vũ Văn Ngân