(Tinmoi.vn) "Làm gì có chuyện cả 2 phi công rủ nhau tự sát? tôi không tin điều đó" - Phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200 nhận định.
"Làm gì có chuyện 2 phi công rủ nhau tự sát"
Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử VTC, ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia tỏ ra nghi ngờ về giả thiết phi công MH - 370 tự sát.
"Thật khó tin. Trong khoang lái bao giờ cũng có 2 phi công. Làm gì có chuyện cả 2 phi công tự sát? Hoàn cảnh của mỗi người một khác, làm gì có chuyện cả 2 phi công rủ nhau cùng tự sát? Tôi không tin có chuyện đó.
Còn nếu cả hai bảo nhau lao máy bay xuống biển thì ở đâu chẳng được sao phải là Ấn Độ Dương? Tôi khẳng định một phi công muốn lao máy bay xuống biển thì cũng không làm được!" - ông Trung nghi ngờ.
Phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) |
Trước đó, tin tức trên báo Telegraph, từ việc chiếc MH370 không gửi các tín hiệu cấp cứu và các sự cố trong động cơ, các nhà điều tra kết luận máy bay đã chuyển hướng và lao xuống biển một cách cố ý. Cơ quan điều tra cho biết giới chức đang nghiêng về khả năng máy bay rơi do phi công đã tự sát.
“Đây là một hành động cố ý của ai đó trên máy bay và người này phải có hiểu rất rõ về hàng không và kỹ năng định hướng. Các nhà điều tra đã tìm hiểu quá trình phi cơ bay trong 8 tiếng và họ nhận thấy nó đã lao xuống biển do sự can thiệp của con người”, Telegraph dẫn lời các nhà điều tra.
Malaysia ngừng tìm kiếm MH370 ở hành lang bay phía bắc
Sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố hôm 24/3 về việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines (MAS) đã rơi ở nam Ấn Độ Dương và không còn ai sống sót, thông tin trên dựa vào trích dẫn phân tích từ các dữ liệu vệ tinh.
Từ phân tích của Inmarsat, một công ty Anh cung cấp dữ liệu vệ tinh, đã đủ thuyết phục để cho thấy MH370 đã bay dọc hành lang phía nam và địa điểm cuối cùng của nó là trên Ấn Độ Dương phía bắc thành phố Perth.
Máy bay tìm kiếm của Úc bay trên bờ biển thành phố Perth. Ảnh ST |
Quy mô cuộc điều tra vụ chuyến bay mất tích MH370 đã trở nên phức tạp hơn, Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 25/3 cho biết, khi ông thông báo rằng cuộc tìm kiếm ở hành lang bay phía bắc chính thức bị ngừng.
Theo ông Hussen, việc tìm kiếm MH370 hành lang bay phía bắc chính thức bị ngừng và trọng tâm của cuộc tìm kiếm giờ đây là hành lang bay phía nam trên Ấn Độ Dương.
MH370 có thể mãi mãi là bí ẩn
Hiện nay, Australia đã đưa những trang thiết bị hiện đại nhất để phục vụ cho cuộc tìm kiếm trong khu vực biển ở tây nam Australia. Việc tìm kiếm hiện nay được các nước tham gia làm việc hết sức khẩn trương, vì chỉ còn ít ngày nữa (khoảng 15 ngày) tín hiệu của hộp đen sẽ ngừng hoạt động. Việc tìm được hộp đen là hy vọng cuối cùng để trả lời câu hỏi bí ẩn xung quanh việc máy bay MH - 370 mất tích.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng chiếc hộp đen khó có thể giải đáp câu hỏi "Tại sao MH370 đổi hướng về phía Ấn Độ Dương sau một giờ bay và việc này diễn ra như thế nào?".
Hộp đen cung cấp chi tiết về lộ trình bay, mọi thông tin cơ học trong cuộc hành trình, tức là "cung cấp một lượng thông tin khổng lồ", AFP dẫn lời bình luận của công ty Tư vấn Hàng không Mỹ Leeham Co. Bất lợi là ở chỗ nó chỉ ghi lại hai giờ hội thoại cuối cùng trước khi máy bay rơi. Như vậy có nghĩa các cuộc trao đổi quan trọng giữa thành viên tổ lái trên quãng đường từ Malaysia tới gần Việt Nam không được lưu giữ.
"Rõ ràng, hộp đen sẽ không cho chúng ta biết được chuyện gì xảy ra khi MH370 bay qua vịnh Thái Lan. Đoạn thông tin này đã bị ghi đè khi MH370 kết thúc hành trình", Leeham Co nhận định.
Chuyên gia hàng không người Anh, Chris Yates, có cùng quan điểm với Leeham Co. "Chúng ta không biết liệu nguyên nhân là do chính cơ trưởng và cơ phó, hay có kẻ khác lẻn vào buồng lái và khống chế máy bay", Yates nói với BBC. "Đây là một bí ẩn chưa từng có".
Malaysia Airlines phải bồi thường 40 triệu USD (?!)
Hãng tin Bloomberg cho hay, Công ước Montreal 1999 xác định các hãng hàng không sẽ phải bồi thường cho mọi hành khách chết hoặc chấn thương trong các vụ tai nạn, kể cả nếu nhà chức trách không xác định được nguyên nhân tai nạn.
Như vậy, Malaysia Airlines sẽ phải bồi thường cho gia đình mỗi hành khách trên chuyến bay MH370 khoảng 175.000 USD. Với 227 hành khách trên chuyến bay, tổng cộng hãng hàng không này sẽ phải bồi thường khoảng 40 triệu USD.
T.M (tổng hợp)