Trong phong tục tín ngưỡng của người Việt, Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan và là một trong những ngày Rằm lớn nhất năm. Các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ cúng Rằm tháng 7 từ ngày 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7. Khá nhiều người không hiểu vì sao lại làm như vậy?
Dân Trí và Kienthuc.net cho hay theo văn hóa truyền thống của người Việt, ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm có hai lễ lớn là Xá tội vong nhân và Vu Lan báo hiếu cha mẹ.
Tuy nhiên, hai tập tục này này lại khác nhau hoàn toàn về ý nghĩa, nguồn gốc và bản chất.
Rằm tháng 7 là một trong những dịp lễ quan trọng đối với nhiều gia đình ở Việt Nam. Ảnh: Internet |
Trong đó, lễ xá tội vong nhân là để cầu siêu cho những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa còn ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu là giáo dục Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và đền ơn các đấng sinh thành.
Năm nay, ngày Rằm tháng 7 diễn ra vào thứ 7 ngày 25/8/2018. Thông thường bắt đầu từ ngày mồng 2 đến ngày 14/7 âm lịch nhiều gia đình đã làm lễ cúng chúng sinh và cử hành đại lễ Vu Lan tại nhà.
Khác với những ngày rằm khác trong năm, nhiều người quan niệm cúng rằm tháng 7 không nên thực hiện đúng ngày 15/7 âm lịch mà nên thực hiện trước.
Liên quan đến vấn đề này, theo tiến sĩ Vũ Thế Khanh- Tổng GĐ Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng thực tế điều này xuất phát từ các truyền thuyết dân gian.
Người xưa quan niệm ngày 15/7 âm lịch là ngày giới hạn của kỳ "mở cửa", sau ngày này, người cõi âm sẽ không thể lên nhận đồ được nữa.
Cũng có truyền thuyết kể lại trong "thế giới tâm linh" có một dòng sống chở hàng của người trần gửi cho người âm , đó là Sông Chở Mã.
Sau ngày 15/7 âm lịch, "thuyền chở mã" đã rời bến nên đốt mã sau ngày đó sẽ không có giá trị cho người âm nữa.
Cũng vì quan niệm này mà dân gian thường có thói quen cúng rằm tháng 7 trước ngày 15/7 âm lịch, lâu dần hình thành thói quen và tục lệ truyền từ đời này sang đời khác.
Thời gian cúng rằm tháng 7
Người xưa thường thực hiện lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên vào ban ngày.
Còn lễ bố thí cho các cô hồn khi thất thế, sa cơ lỡ vận, không nơi nương tựa vào chiều tối.
Trong đó, mâm cúng cô hồn thường không nên làm cỗ mặn như: thịt gà, xôi, thịt, chả, cá tôm… bởi theo quan niệm dân gian, đồ ăn mặn sẽ khơi dậy “tham, sân, si” ở các vong hồn khiến họ khó siêu thoát, quanh quẩn trần thế quẫy nhiều dương gian.
Lòng thành của con người thể hiện ở cái tâm, không cần chú trọng vào “mâm cao, cỗ đầy”.
Mâm cỗ cúng cô hồn trong truyền thống thường bao gồm: cháo loãng, gạo, muôi, cơm trắng, canh, nước lã, xôi, chè (các loại chè), khoai (khoai lang, khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, hương hoa, quần áo chúng sinh… Yêu cầu mâm cúng được trình bày đẹp mắt, sạch sẽ gọn gàng và thể hiện được thái độ trân trọng.
Nơi cúng cô hồn thường được đặt ở vỉa hè, khu vực ngã ba, cổng làng... Tuyệt đối không để mâm cúng trong nhà hoặc phạm vi nơi ở. Việc cúng cô hồn tiến hành sau khi đã cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên.
Theo tập tục truyền thống sau khi cúng lễ cô hồn xong phải thực hiện việc mời các vong đi, tức là phải có thủ tục “tiễn khách” để tránh đưa vong hồn vào nhà. Ở một số nơi, người dân còn vãi gạo, muối ra sân, đường làng.
Ở nước ta, tục giật cô hồn khá phổ biến ở các tỉnh miền Nam tức là người sống giành giật những mâm cúng, gia chủ phát tiền cho người sống. Họ tin rằng nếu người sống giành giật càng đông, thì gia chủ càng xua đuổi được điều xui xẻo, không may trong cuộc sống.
Tục giật cô hồn còn có ý nghĩa đẹp ở chỗ gia chủ cúng xong rồi phân phát thực phẩm, đồ đạc, tiền coi như một dịp để bày tỏ tấm lòng chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó.
Minh Di (tổng hợp)