Trong các bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc liên quan đến nhà Tần, Tần Thủy Hoàng luôn được gọi với cái tên Doanh Chính. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cái tên này hoàn toàn không chính xác. Chia sẻ trên Sohu, ông Lôi Hưng San - Giáo sư tại Đại học Liên hợp Bắc Kinh Trung Quốc cho biết, thời phong kiến ở Trung Quốc, người xưa có quy tắc đặt tên là "nam tử xưng thị, nữ tự xưng tính" (tức nam thì gọi họ, nữ gọi tên họ).
Phần lớn các nguồn tham khảo hiện đại của Trung Quốc lấy Doanh Chính là tên cá nhân của Tần Thủy Hoàng, với Doanh là họ và Chính là tên. Tuy nhiên, thời Trung Quốc cổ đại có cách gọi tên khác với thời hiện đại. Vì Tần Thủy Hoàng sinh ra ở nước Triệu nên dùng Triệu làm họ.
Trong sử ký Tư Mã Thiên cũng từng ghi chép lại rằng, Tần Thủy Hoàng tên huý là Chính, họ là Triệu. Tuy nhiên, sau này, Trung Quốc lại lấy họ của tổ tiên mà gọi, do đó Triệu Chính được gọi là Doanh Chính, vì ông là con cháu nhà họ Doanh. Cha Tần Thủy Hoàng là Doanh Dị Nhân tức Tần Trang Tương vương. Ông sinh ra ở kinh đô Hàm Đan của nước Triệu.
Tương tự như vậy, câu chuyện góa phụ Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành. Trên thực tế, Nhân vật nữ Mạnh Khương không phải họ Mạnh, mà là họ Khương. Mạnh Khương chỉ là cách đặt tên phổ biến thời Tiên Tần.
Trong chương trình "Trung Quốc quốc bảo đại hội", chiếc lư hương bằng đồng có tên "Thúc ngu phương đỉnh" được khai quật từ lăng mộ của Tấn Hầu ở Thiên Mã, Sơn Tây, Trung Quốc. Chiếc lư hương có hình dáng đơn giản, trang nhã, bên trên có khắc dòng chữ gồm 48 ký tự. Đây là chiếc lư hương duy nhất từ thời nhà Tấn cho đến nay. Chữ "Đường" trên lư hương ám chỉ địa danh, chữ Ngu là tên người, chữ Thúc là thứ tự anh em trong gia đình.
Ông Lôi Hưng San cho biết, cả nam và nữ đều có thể sử dụng thứ tự cách gọi tên này. Ví dụ, Đường Bá Hổ thì Bá dùng để chỉ địa vị, Hổ là tên. Mạnh Khương Nữ thì Mạnh không phải là họ mà có nghĩa ám chỉ là con gái lớn của nhà họ Khương. Như vậy, người này là đại khuê nữ của gia đình họ Khương. Tuy nhiên, phần lớn hiện nay, nhiều bộ phim truyền hình hiện nay mắc lỗi và sử dụng sai tên gây ra nhiều hiểu lầm.
Lôi Hưng San cho rằng, quy tắc đặt tên thời phong kiến chính là "nam tử xưng thị, nữ tự xưng tính". Trước thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ V TCN), chỉ có các gia đình quyền thế và tầng lớp tinh hoa quý tộc mới có họ. Theo truyền thống lịch sử tính và thị có nhiều khác biệt. Tính được được các gia tộc quyền quý sở hữu. Trong chữ Tính có bộ thủ nữ, được xem là chứng tích của xã hội mẫu hệ. Lối tạo chữ này nhằm ám chỉ được mẹ sinh ra. Thị xuất hiện lần đầu vào thời nhà Chu, đánh dấu sự hình thành chế độ phụ hệ trong nền văn hóa Trung Hoa. Cùng một tính nhưng sẽ có nhiều thị khác nhau, thị ra đời để đáp ứng nhu cầu phân biệt giữa những người chung một tính.
Lấy trường hợp điển hình của Chu Công Đán - em trai thứ tư của vua Chu Vũ Vương Cơ Phát. Chu Công Đán có tính là Cơ, thị là Chu, danh là Đán. Tuy nhiên, nhiều người và trong phim ảnh vẫn gọi ông là Cơ Đán. Ông Lôi cho rằng, đây là cách gọi sai, cách gọi đúng phải là Chu Công Đán. Tương tự như trường hợp của Tần Thủy Hoàng, trên phim ảnh vẫn thường gọi ông với cái tên thân mật là Doanh Chính. Tuy nhiên, cách gọi đúng phải là Triệu Chính bởi thị là Triệu, tính là Doanh, danh là Chính.