(Tinmoi.vn) Sở hữu chuổi khách sạn hơn chiếc từ 2 – 5 sao trên khắp cả nước, cùng với nhiều khu chung cư và khu đô thị lớn, đi xe triệu đô nhưng lại không thể tách rời chiếc … điếu cày là những nét phác họa về đại gia là Lê Thanh Thản – Giám đốc công ty tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu.
Đại gia “điếu cày”
Thời điểm cách đây mấy năm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất động sản “chết cứng”, những đại gia bất động sản người “méo mặt”, người “chuyển nghề” thì vị đại gia này vẫn ung dung ngồi “phát giấy vàng” bán căn hộ.
Mới gặp ông Thản, ít ai nghĩ trước mặt mình là đại gia cỡ bự. Không đồ hiệu, chân lúc nào cũng xỏ dép xăng-đan, trông ông bình dân như một nông dân chính hiệu với kiểu cười xuê xoa.
Thoảng chốc, lại thấy một người lạ hoắc đến xin trình bày “thưa anh, em là vợ anh A, ở Bộ B; thưa anh, em là em gái anh C, ở tổng cục D...” xin được mua căn hộ giá 10 triệu đồng/m2.
Xem ra cũng nể, nên ông Thản lại lấy tờ giấy vàng, viết vài chữ rồi ký tên “Cô mang giấy này sang phòng bên làm thủ tục”.
Ở cái thời căn hộ ế, bất động sản đông cứng, nhưng hàng tháng nay, kể từ ngày ông đại hạ giá căn hộ xuống 10 triệu đồng/m2 khiến dư luận xôn xao, khu văn phòng công ty ở khách sạn Mường Thanh (Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán.
Hoá ra, những người tới xin và được ông phát cho mảnh giấy vàng, nếu cầm ra sang tay ngay cũng được vài chục triệu đồng tiền chênh.
Ông Thản tâm sự: “Thương trường đúng là chiến trường thật. Không hạ giá thì khó bán, hạ giá bán được thì người ta nói mình bán phá giá. Thị trường thế này, không bán rẻ thì rủ nhau mà chết thôi. Thà lãi ít còn hơn là chết”.
Ông Lê Thanh Thản (sinh năm 1949), là một doanh nhân được xếp hàng “vô danh tiểu tốt” đến từ tỉnh miền núi Lai Châu, lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào.
Ông Thản mở rộng việc làm ăn xuống Hà Nội năm 2000 với việc mua một mảnh đất trong Khu Đô thị Linh Đàm để xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Từ đó đến nay, vị đại gia thích hút thuốc lào vặt, khoái ăn cá trích, đậu phụ chấm mắm tôm này tiến hành đầu tư xây nhiều khu chung cư nhất ở Hà Nội (30 toà, mỗi toà 400 căn, với dân số tương đương một quận). Khu Đô Thị Xa La rộng 21 ha được đánh giá là đô thị đầu tiên hoàn chỉnh nhất với đầy đủ các hạng mục liên hợp trường học, bệnh viện (dù nằm gần Bệnh viện Quân đội 103), siêu thị, khách sạn…
Làm nhiều việc thiện giúp quê hương
Đại gia Lê Thanh Thản từng tâm sự về việc xây Bệnh viện Phủ Diễn tại Nghệ Anh. Theo ông, ngoài việc thương bà con ở miền quê bán sơn địa mỗi lần đi cấp cứu đường xa cách trở, còn có một lý do khác: Một lần về quê tắm biển bị sứa cắn, ông phải nhập bệnh viện huyện cấp cứu. Nhờ hết lãnh đạo tỉnh can thiệp mà các bác sỹ ở đây vẫn thờ ơ, cuối cùng ông phải chi tiền lót tay để được cứu chữa kịp thời. Lúc đó, ông thầm nhủ, đến mình mà còn bị ứng xử thế này, người dân nghèo thì còn khổ nữa.
Thế là Bệnh viện Phủ Diễn ra đời thu hút hết các bác sỹ, y tá của bệnh viện nhà nước kia (nơi ông từng cấp cứu) với phương châm sạch sẽ, viện phí rẻ và không vòi vĩnh bệnh nhân. Mang tiếng thủ phủ quê Diễn Châu nhưng mọi thứ lụp xụp, ông Thản đầu tư ngay một trung tâm thương mại và khách sạn.
Chưa kể, một sở thú rộng 300 ha nằm nguyên trên một quả đồi (chủng loại thú có khi còn nhiều hơn Công viên Thủ Lệ Hà Nội, trong đó có nhiều động vật quý sinh nở như hổ trắng, gấu, tê giác…). Ông Thản còn xây 1 trường cấp 3, 1 trường cấp 1-2, 4 trường mẫu giáo, 1 trạm xá, 5 Km đường liên thôn, khôi phục đình làng...
Tất cả những công trình ở quê hầu như phi lợi nhuận. Thậm chí, ông Thản còn phải cấp tiền thêm để hỗ trợ. Con cháu trong họ, trong quê được ông kéo đi làm khắp nước. Nhiều người cứ đùa rằng, tập nói tiếng Diễn Châu quê ông Thản sẽ dễ được nhận vào chuỗi khách sạn nằm rải rác từ Bắc vào Nam.
Ngồi trò chuyện với ông, thoảng chốc lại thấy ông bắn điếu thuốc lào, nhả khói có vẻ điệu nghệ lắm. Xem chừng cũng thuộc hàng nghiện nặng. Ông Thản kể, đi đâu cũng phải mang theo cái điếu cày.
Kể cả những lúc ngồi trên Rolls-Royce. Có lần đi nước ngoài, ông mang theo điếu cày, nhân viên an ninh bắt ông bỏ lại, ông không chịu, cãi nhau một hồi rồi họ cũng hiểu và cho mang theo.
Kinh doanh khách sạn chỉ là để cho “vui”
Sở hữu 21 khách sạn Mường Thanh từ 2 – 5 sao trên cả nước, nhưng đại gia “điếu cày” Lê Thanh Thản vẫn chỉ tâm niệm “Khách sạn là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội, còn nghĩ đến lời lãi ngay thì không ai đi đầu tư khách sạn”.
Hệ thống khách sạn Mường Thanh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam”, nhưng vị chủ nhân của chuỗi khách sạn này vẫn rất giản dị, kín tiếng khi nói về nghiệp làm khách sạn của mình.
"“Niềm vui lớn nhất với tôi là giúp đỡ được nhiều người. Làm khách sạn nếu tính toán lỗ - lãi thì không ai dám làm. Nhưng tôi thích làm khách sạn vì nó tạo công ăn việc làm được cho nhiều người”.
Là một ông chủ lớn với hàng ngàn nhân viên, nhưng ít ai nghĩ trước mặt mình là một đại gia cỡ bự. Không hàng hiệu, cũng không ăn mặc chỉn chu, chải chuốt bóng lộn cho vẻ bề ngoài, trông ông bình dị như một gã nông dân chính hiệu với trang phục xuề xòa, thích hút điếu cày và ăn mắm tôm.
Ông nói: “Niềm vui lớn nhất với tôi là giúp đỡ được nhiều người. Làm khách sạn nếu tính toán lỗ - lãi thì không ai dám làm. Nhưng tôi thích làm khách sạn vì nó tạo công ăn việc làm được cho nhiều người”.
Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, năm 1978, ông Lê Thanh Thản được Tỉnh ủy Nghệ An tăng cường lên công tác tại huyện vùng cao Sìn Hồ, Lai Châu.
Gần 10 năm sau, khi công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu, ông Thản đã mở xưởng sản xuất vật liệu xây dựng ở huyện Mường Lay, Lai Châu.
Và, sau hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành, vượt bao thăng trầm của thời cuộc, cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động manh mún ở cấp huyện thủa ban đầu đã biến thành 1 Công ty tư nhân hàng đầu của 2 tỉnh Tây Bắc là Điện Biên và Lai Châu với số vốn lên đến nhiều trăm tỷ đồng. Không những thế, ông cũng là chủ sở hữu của thương hiệu khách sạn ngày càng trở nên nổi tiếng - Mường Thanh.
Hòa Phong (tổng hợp)