Không đơn giản là tri kỉ, tình yêu giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là có thật. Nó chân quý và sâu đậm tới mức, dẫu hai nửa sinh mệnh âm nhạc ấy chẳng cần thừa nhận, thì vẫn cứ hiện hữu rõ mồn một.
Bỏ chạy trong đêm tân hôn vì sợ ở một mình với một người đàn bà
Suốt một đời phiêu lãng, rong ruổi theo các bóng hồng, không ai nghĩ rằng Trịnh Công Sơn sẽ lấy vợ. Thế nhưng, chính ông đã thú nhận với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo về lễ cưới bí mật của mình cách đây 54 năm.
Người vợ duy nhất của ông là Thanh Thúy, một vũ nữ gốc Hoa ở nhà hàng Catinat, nơi Trịnh Công Sơn thường lui tới. Vì quá đam mê trước nhan sắc tuyệt trần của Thanh Thúy mà ông đã ngỏ lời cầu hôn với cô.
Lễ cưới của Trịnh Công Sơn và Thanh Thúy được tổ chức đơn giản tại một nhà hàng sang trọng phía sau Nhà hát Lớn Sài Gòn vào cuối năm 1964. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhớ lại:
"Đấy là một buổi tối đẹp trời, tiệc cưới được bày trên một cái bàn ngoài ở ngoài sân cỏ. Trên bàn thắp nến. Người đẹp Thanh Thúy mặc áo đầm trắng nhảy tung tăng trên thềm.
Trịnh Công Sơn rất vui, nói với Trịnh Cung và Đinh Cường: "Nhí nhảnh như một con chim". Tiệc đến nửa chừng thì nến tắt.
Hai người bạn nhắm mắt lại để Trịnh Công Sơn đeo nhẫn cho cô dâu. Đó là chiếc nhẫn mà Trịnh Cung và Đinh Cường góp tiền mua chung để mừng lễ cưới của bạn".
Cũng trong dòng tâm tưởng của mình, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã kể thêm về một tình huống trớ trêu đến mức cười ra nước mắt của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Ông nói:
"Đêm hôm đó, Trịnh Cung và Đinh Cường đưa cô dâu, chú rể về phòng tân hôn là phòng riêng của Thanh Thúy. Đến cửa phòng thì hai anh quay về.
Nhưng đi được một quãng khá xa thì họ chợt nghe tiếng giầy lóc cóc đuổi theo sau lưng.
Hai người ngoảnh lại nhìn, hóa ra người đuổi theo chính là chú rể Trịnh Công Sơn! Sơn vừa thở hổn hển vừa thanh minh: "Bỗng dưng ở lại một mình với một người đàn bà trước mặt, mình hoảng quá, không biết làm gì, đành bỏ chạy cho khỏe!".
Kể từ đó, Trịnh Công Sơn không bao giờ lấy vợ nữa. Dù yêu rất nhiều và khát khao có được người phụ nữ mình yêu, nhưng ông chỉ chọn cách ở bên họ như một tình nhân mà thôi.
Có lẽ với Trịnh Công Sơn, tình yêu chỉ đẹp khi nó bất toàn và mong manh. Có như thế, nó mới khiến người ta muốn níu giữ, chở che và đong đầy những xúc cảm đẹp nhất. Điều này hợp với tính cách yêu tự do, thích phiêu lãng du mục của ông hơn một cuộc hôn nhân cố định, trần trụi.
Hé mở định mệnh về tình yêu không thừa nhận, nhưng vĩnh viễn là của nhau giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly
Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, từ cô nữ sinh tinh trắng, nàng ca sĩ hồn nhiên, gái vũ nữ kiều diễm, tới cả giáo sư người Nhật uyên bác.
Trịnh Công Sơn không thể sống mà không yêu. Với ông, dù hạnh phúc hay đau khổ thì con người vẫn luôn muốn yêu. Đúng như lời ông nói: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".
Bởi vậy, ông chọn cách yêu thật nhiều để chống lại cái định mệnh đau khổ trong đường tình duyên của mình. Ông yêu để "thoát khỏi giả dối", để sống thật với mình và tìm kiếm sự đền bù.
Nhưng cũng chính vì thế mà khán giả cứ mãi thắc mắc, tại sao Trịnh Công Sơn không yêu Khánh Ly với tình yêu đôi lứa, mà chỉ nhận bà là tri kỉ, dẫu cho bà là định mệnh vĩnh viễn không thể vắng trong cuộc đời ông.
Khánh Ly chưa bao giờ nói yêu Trịnh Công Sơn, nhưng đã từng ngụ ý rằng: "Tôi yêu Huế, bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu". Khánh Ly không ngô nghê tới mức nhắc lại mình yêu Huế hai lần trong một câu nói.
Nếu vế đầu đã nói yêu Huế, thì về sau sẽ là một tình yêu nảy mầm từ trước, khiến bà nhờ đó mới "yêu được Huế".
Tình yêu mà Khánh Ly ẩn ý nhắc đến đó, còn ai khác ngoài người nhạc sĩ xứ Huế đã theo bà suốt một đời cầm ca, chia sẻ cho bà từng bát cơm, tấm áo, tới bẻ đôi nốt nhạc để sống qua gian khó: "Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một li cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất".
"Anh gầy quá. Tôi bước lại gần anh hơn. Rất nhẹ nhàng tôi cúi xuống nhìn sát mặt anh. Tôi không nghe thấy hơi thở của chính mình. Tự dưng tôi muốn hôn lên trán anh. Tôi không làm thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay rất gầy có những ngón thon dài đặt lên ngực. Tôi không làm thế". – Khánh Ly nhớ lại lần gặp đầu tiên ở Canada sau nhiều năm xa cách.
Một lần khác, bà lại nói: "Anh gầy hơn xưa, những tưởng chẳng còn có thể gầy hơn nữa. Anh trầm lặng như tượng đá. Ánh mắt xa vắng, nụ cười vu vơ khiến tôi đau lòng. Sao anh không khóc đi… Ôi, làm sao trả lại cho anh, cho tôi, cho chúng tôi những tháng ngày đã mất".
Qua lời kể của Khánh Ly, ta thấy được sự chân thành trong tình yêu của bà dành cho Trịnh Công Sơn. Chỉ có những người yêu nhau thực lòng mới xót xa, đớn đau cho cái gầy gò, xanh xao của nhau, mới yên lặng nhìn sâu vào nhau tới mức nghe thấy cả hơi thở của mình như thế.
Nhưng trong Khánh Ly có lẽ luôn tồn tại một vật cản nào đó, khiến bà trở nên nhút nhát, ngại ngùng, không dám vượt quá giới hạn, kể cả khi chỉ có hai người bên nhau. Bà muốn trao chút hơi ấm tình thương cho người mình yêu, nhưng không thể.
Khánh Ly không muốn bước qua vật cản này. Cái bóng quá lớn của tượng đài nhạc Trịnh, của tiềm thức công chúng trong suốt nhiều thế hệ đã gò bà vào một cái lồng sắt, để cầm tù tình yêu của bà.
Chính bà đã phải cay đắng thốt lên: "Chưa thoát ra được. Không thoát ra được. Không muốn thoát ra. Còn muốn cố gắng bao che, tự lừa dối mình cũng chỉ là một cơn mộng. Đêm sẽ qua, mộng sẽ tàn. Ta sẽ tỉnh".
Với Khánh Ly, tình yêu này chỉ như một giấc mộng đi từ tuổi thanh xuân đến tuổi đá buồn. Nó đẹp và nên thơ, khiến bà say trong men rượu. Nhưng đến phút cuối cùng, bà chợt nhận ra, nó chỉ là mộng trong cơn say mà thôi.
Về phía Trịnh Công Sơn, ông từng chia sẻ: "Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi, cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly".
Với Trịnh, những ca khúc ông sáng tác chính là sinh mệnh, tình yêu, là cách cửa giúp ông giao lưu với thế giới loài người và "diễn đạt tâm tưởng mình". Đó là tình yêu lớn nhất trong tâm hồn ông. Nói như vậy tức là Trịnh đã sớm coi Khánh Ly như một nửa linh hồn của mình.
Khi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hỏi Trịnh Công Sơn về tình yêu với Khánh Ly, ông chỉ cười và hát: "Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Trong câu hát này là cả một trời ẩn ý về người tình "định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau" của ông.
Với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly không chỉ đem đến cảm giác yêu đương như những bóng hồng lướt qua cuộc đời ông, mà còn là nơi để ông nương tựa về tâm hồn, nghệ thuật, đi cùng nhau suốt những năm tháng thanh xuân trong cõi giang hồ, để rụng về cội vẫn còn mãi bên nhau.
Trịnh Công Sơn yêu Khánh Ly có lẽ đặc biệt hơn nhiều người con gái khác. Không những dòng thư tay, không câu chữ bay bướm vì họ đã quá gần nhau để hiểu nhau rồi. Chỉ cần lặng nhìn nhau qua ánh mắt, hay đơn giản là bước đi cùng nhau, cũng đủ trao nhau cảm xúc yêu thương và thấu hiểu rồi.
Bởi vậy mới có chuyện, "cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau, bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi. Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi những điều cần nói, nếu có.
Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết để phải nói ra". Khi ngôn từ đã quá chật hẹp để truyền đạt thông điệp giữa họ, thì chỉ cần đứng bên nhau là đủ. Khi ấy, tình yêu giữa họ đã vươn tới sự cao thượng.
Bằng sự cao thượng ấy, Khánh Ly chấp nhận đứng bên Trịnh Công Sơn trong vô vàn mối tình vô thường của ông và bà cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, chứ không hề có sự ghen tuông nào: "Chúng tôi đã sống bằng những niềm vui không nhiều trong đời. Tôi tự cho mình là cái bóng của anh và cũng được hưởng niềm vui đó".
Cho đến nay, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều chưa thừa nhận về tình yêu giữa họ, nên mọi suy đoán vẫn chỉ là suy đoán.
Rất có thể, ý thức về sứ mệnh lịch sử của mình trong âm nhạc đã khiến họ chọn cách đứng bên nhau như hai người bạn.